Hỗ trợ miền Trung chống dịch lở mồm long móng

Miền Trung bị thiệt hại nặng nề sau khi bị hai trận siêu bão số 10, 11 đổ bộ vào làm 22 người chết, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị hư hại… Nhiều tỉnh miền Trung còn phải đối mặt với tình trạng lây lan dịch bệnh trên gia súc khá nghiêm trọng cũng do ảnh hưởng của bão.


Đối phó với virút type A


Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, cơn bão số 11 kèm theo mưa lớn kéo dài với sức gió giật cấp 17 tràn qua các tỉnh miền Trung đã làm cho 13.566 con gia cầm và 12.900 con gia súc bị chết và bị lũ cuốn trôi. Số gia súc, gia cầm này bị phân hủy và gây ô nhiêm môi trường, mang theo các mầm bệnh phát tán đi khắp nơi. Số gia súc còn lại được đưa lên đường quốc lộ, vùng đất cao nhốt giữ, chăn thả chung. Tuy nhiên, do đói rét, môi trường bị ô nhiễm, sức đề kháng lại giảm sút nên nhiều con gia súc bị nhiễm bệnh.

 

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại tại một hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh lở mồm long móng ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Hồ Cầu


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến cuối tháng 10, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại một số xã của tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và đang có xu hướng lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) và Triệu Phong (Quảng Trị) đã phát hiện gia súc bị bệnh lở mồm long móng type A. Riêng tại xã Triệu Thượng, xã Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã có tới 37 con gia súc mắc bệnh này trong tổng số 130 con mắc bệnh trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo kết quả lấy mẫu giám sát, Cục Thú y cũng đã phát hiện virút lở mồm long móng type O lưu hành tại một số tỉnh thuộc khu vực này.

 

Cục Thú y yêu cầu các cơ quan thú y vùng III, IV, V tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi trong việc tái đàn vật nuôi sau bão tuân thủ theo nguyên tắc: chỉ tái đàn sau khi chuồng trại đã đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, sử dụng thức ăn và nước uống hợp vệ sinh trong chăn nuôi, chọn con giống đảm bảo chất lượng…


Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Thú y, virút type O là chủng virút lưu hành khá rộng rãi ở khu vực miền Trung. Nước ta có vắcxin phòng được chủng virút này. Còn virút type A mới xuất hiện trở lại nên chưa rõ khả năng đáp ứng của loại vắcxin hiện có. Hiện Cục Thú y đã gửi mẫu bệnh phẩm nhiễm virút type A sang một phòng thí nghiệm của Anh để phân lập. Theo bà Thủy, mục đích của việc này là xem virút type A có phù hợp với loại vắcxin mà nước ta đang có hay không.


Bao vây các ổ dịch


Hiện Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đối với các tỉnh đang có dịch, Bộ yêu cầu thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác typ virút gây bệnh để có phác đồ điều trị hiệu quả. Các hộ gia đình và chính quyền địa phương phải đánh dấu gia súc mắc bệnh, tổ chức cách ly để bệnh không lây lan sang đàn gia súc khỏe mạnh; tổ chức tiêm phòng vắcxin bao vây các ổ dịch, cho đàn gia súc có nguy cơ mắc bệnh. Các địa phương cũng thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc mắc bệnh ra ngoài vùng dịch.


Bộ cũng yêu cầu những địa phương chưa có dịch tăng cường công tác phòng chống; thành lập các trạm kiểm dịch tạm thời kiểm tra ngăn chặn tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương.


Hiện nay, đàn gia súc của tỉnh Quảng Nam đang có nguy cơ lây nhiễm virút lở mồm long móng từ các tỉnh lân cận. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thuốc thú y Trung ương xuất không thu tiền 7.000 liều vắcxin lở mồm long móng dự trữ quốc gia; Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương xuất không thu tiền 12.000 lít hóa chất sát trùng hỗ trợ cho Quảng Nam để phòng dịch.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN