Hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào

Đắk Lắk là một trong những tỉnh ở Tây Nguyên triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nghèo thiếu đất sản xuất, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

Xin ông cho biết những mặt được và chưa được trong việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất trên địa bàn?.


Thực hiện các Chương trình 132, 134, 1592… của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ,đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 11.062 hộ gia đình được cấp 289 ha đất ở và 15.474 hộ gia đình được giải quyết đất sản xuất, với diện tích trên 5.543 ha. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã cấp vườn cây cà phê, tạo điều kinh doanh cho 1.937 hộ gia đình, với diện tích gần 600 ha, đồng thời, tỉnh cũng đưa 65 hộ gia đình vào làm công nhân ở các doanh nghiệp, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo Quyết định 304 của Chính phủ là 170 hộ, với diện tích 3.953 ha, hỗ trợ chăn nuôi cho 1.451 hộ, với 1.503 con bò sinh sản.

 

Hồ tiêu giúp nhiều gia đình ở huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) thoát nghèo. Trần Việt - TTXVN

 

Việc triển khai thực hiện các chương trình về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã khẳng định đây là chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và là chính sách đầu tư trực tiếp tới hộ nghèo. Với sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của các ngành, các cấp thời gian qua, đời sống của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã từng bước được cải thiện, bà con thực sự yên tâm định cư nơi ở mới và tổ chức sản xuất có hiệu quả trên diện tích đất được hỗ trợ. Cũng chính vì thế đã tạo nên khí thế mới ở các vùng nông thôn trên địa bàn Đắk Lắk, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giúp đỡ, tương thân, tương ái trong cộng đồng, đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của chính mình…


Tuy nhiên, ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 132, 134, 1592… của Thủ tướng Chính phủ nên việc chỉ đạo thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu chiều sâu, chưa chủ động tìm biện pháp giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, hiệu quả một số mặt còn thấp, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa nhận thức đúng quan điểm của các chương trình là: “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”.

Một số doanh nghiệp chưa tích cực trong việc thực hiện chuyển một số diện tích đất doanh nghiệp quản lý cho chính quyền địa phương để thực hiện các Chương trình theo Quyết định 146, 57 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình thiếu đồng bộ, một số khu định cư mới còn thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Công tác điều tra, khảo sát, bình xét đối tượng và nhu cầu hỗ trợ… còn sai sót, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng các chương trình theo các Quyết định 132, 134, 1592 còn tồn đọng nhiều…

Cần công khai quỹ đất dôi dư

Khi xây dựng quy hoạch đất đai cần gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải lập kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo an toàn lương thực và nhu cầu nông phẩm cho toàn xã hội; đồng thời phân bố, cân đối quỹ đất thích hợp với nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công khai quy hoạch để mỗi người dân và cấp chính quyền biết được quỹ đất dôi dư sử dụng vào mục đích gì, để họ có ý thức trách nhiệm bảo vệ quỹ đất đó. Hỗ trợ đủ đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (kiên quyết không để đồng bào thiếu đất) nhằm tạo điều kiện cho đồng bào đầu tư phát triển sản xuất từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Đình Hoan,
Chủ tịch HĐND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk)

 

Những vướng mắc cần giải quyết

Hiện nay vùng Tây Nguyên còn một số vấn đề vướng mắc trong cơ chế, chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách giao đất, giao rừng, thuê, khoán bảo vệ rừng. Giao rừng, cho thuê rừng chưa gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Nhiều nơi, diện tích rừng và đất rừng chưa được giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi hiệu quả còn thấp, người nhận khoán vẫn nhận tiền nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng…

Ông Nguyễn Bá Ngãi
(Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT)

Trong thời gian tới tỉnh còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất nữa không, thưa ông?


Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết đều sản xuất nông nghiệp, cả đời gắn với nương rẫy, đồng ruộng. Do vậy, vấn đề đất đai là rất cần thiết đối với họ. Nếu không có đất sản xuất thì bà con không biết làm gì, chuyển đổi các ngành nghề khác là cả một quá trình chứ không thể một sớm một chiều. Vì vậy, vấn đề đất đai cho sản xuất nông nghiệp của cư dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là vô cùng cấp thiết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là đối với các trường hợp thiếu đất ở, đất sản xuất. Hiện nay, qua rà soát, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn 5.062 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiếu đất ở với diện tích gần 98 ha và đất sản xuất của 11.023 hộ, với diện tích gần 5.823 ha.


Khắc phục những khó khăn, tồn tại, từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về đất ở, đất sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo, tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, thu hồi đất của các đơn vị nông, lâm trường chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Đồng thời, tiến hành khai hoang, phục hóa để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào. Tỉnh cũng tiếp tục ưu tiên tập trung phân bổ vốn đối ứng theo đề án đã được xây dựng, ưu tiên cho các địa phương là vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi tập trung nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất. Tập trung chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tích cực đôn đốc, chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo đúng tiến độ của chương trình đề ra.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với quá trình triển khai thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, số lượng, mức hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đất đai, về bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, vận động đồng bào không được sang nhượng đất mà tập trung ổn định sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.


Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho tiếp tục thực hiện Đề án 1592 giai đoạn 2012-2015 nhằm cơ bản giải quyết tình hình đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Định mức đất sản xuất hỗ trợ cho mỗi hộ cần tính thêm căn cứ về số khẩu trong một hộ nếu không sẽ phát sinh tình trạng hộ đông người lại tiếp tục thiếu đất sản xuất trong tương lai. Tăng mức hỗ trợ về khoán quản lý, bảo vệ rừng, học nghề, chuyển đổi ngành nghề…


Để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được an cư, Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng một số công trình thủy lợi nhỏ và vừa để tăng vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo canh tác bền vững. Cùng với đó là hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư vào phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập tạo điều kiện cho đồng bào thoát nghèo bền vững….


Trân trọng cảm ơn ông!

Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN