Liên tiếp trong 3 năm qua, hàng loạt hộ nghèo ở tổ dân phố 5, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum không hề hay biết mình thuộc diện hộ nghèo. Chỉ đến khi đoàn kiểm tra mời lên làm việc để xác minh sự việc thì nhiều người mới biết mình không được hưởng nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong suốt một thời gian dài.
Không biết mình là hộ nghèo
Với người dân ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, chẳng ai muốn mình nằm trong danh sách hộ nghèo làm gì. Tuy nhiên, danh sách hộ nghèo của tổ dân phố vẫn hàng năm đều được lập. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo như tiền điện (360.000 đồng/năm), tiền học của các cháu, gạo, chính sách hỗ trợ trong khám, điều trị... vẫn có nhưng nhiều hộ nghèo nơi đây suốt gần 3 năm qua chưa bao giờ được nhận.
Gia đình chị Trần Thị Hạng có 5 khẩu, ở trong căn nhà xây thô, lợp tôn xiêu vẹo, ẩm thấp. Cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng tiền ít ỏi kiếm được từ việc chạy xe thồ của chồng. Con gái lớn suốt các năm học đại học chẳng được hưởng chính sách gì cho sinh viên hộ nghèo cho đến khi ra trường. Theo chị Hạng, “nếu có sổ hộ nghèo thì chí ít việc học của các cháu cũng đỡ hơn nhiều”. Cùng hoàn cảnh khó khăn trên là các chị Trương Thị Quyên, Lê Thị Luyến. Khó khăn là vậy nhưng suốt 3 năm qua họ lại chẳng biết mình là hộ nghèo. Các khoản hỗ trợ như tiền điện cho hộ nghèo, tiền học, sổ và thẻ bảo hiểm y tế hộ nghèo... đều không có. “Nếu có bảo hiểm y tế (hộ nghèo) thì gia đình tôi cũng đâu đến nỗi khó khăn như vậy. Chồng tôi bệnh nặng phải đưa ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội điều trị nhưng chúng tôi đâu được miễn giảm, hỗ trợ gì. Tất cả tiền điều trị cho chồng, tôi phải đi vay”, chị Luyến nói.
“Năm 2013, ông Nguyễn Thế Huệ, Tổ trưởng tổ dân phố 5 thông báo trong nhóm 11 có 4 hộ thuộc diện hộ nghèo, giảm 3 hộ so với năm 2012. Các hộ này đều được họp bình xét, có tôi tham gia. Tuy nhiên sau này tôi phát hiện trong tổ có 7 hộ nằm trong danh sách hộ nghèo chứ không phải là 4. Có nhiều hộ không được bình xét vẫn có tên. Tôi hỏi ông Bí thư Chi bộ thì ông này nói không biết, hỏi ông Chung (công tác Mặt trận tổ dân phố) thì ông Chung cho biết có 1 hộ nằm trong danh sách là được họp kín, còn 2 hộ còn lại cũng không biết. Điều đáng nói là các hộ nghèo trên cũng chẳng ai biết mình là hộ nghèo cả”, ông Phan Văn Chanh, trưởng nhóm 11 của tổ dân phố 5 cho biết.
Ngay khi thông tin nhiều hộ trong danh sách nghèo bị lộ ra ngoài, thị trấn Plei Kần đã thành lập đoàn kiểm tra. Kết quả xác minh ban đầu (Biên bản số 01/BC - ĐKT ngày 28/10/2013) cho thấy có 17 hộ không biết mình thuộc diện hộ nghèo, 24 hộ không được cấp sổ, 23 hộ không được cấp thẻ bảo hiểm... cùng hàng chục triệu đồng chi hỗ trợ tiền điện nhưng chưa chi.
Cần sớm làm rõ
Trước những thông tin trên, ông Nguyễn Thế Huệ, Tổ trưởng tổ dân phố 5 khẳng định: “Tất cả là vu khống”. Theo lý giải của ông Huệ thì danh sách hộ nghèo được tổ dân phố làm rất bài bản. Phải qua 3 giai đoạn bình xét mới lập được danh sách hộ nghèo. Mỗi mình ông cũng không thể tự làm. Còn đối với việc hỗ trợ tiền điện thì do một số hộ làm ăn xa, không đến nhận. Số tiền này ông Huệ có xin phép tận thu đóng vào tiền quỹ hương ước (từ 54.000 - 60.000 đồng/năm) do các hộ này không đóng. Ông Huệ khẳng định: “Việc làm này tôi có xin ý kiến chi bộ. Tôi sai vì đáng lý ra bà con nhận tiền là phải ký. Cái sai là sai dây chuyền. Sai từ thị trấn đến chi bộ, mặt trận, không thể đổ cho một mình tổ dân phố được. Tôi cũng chỉ được nhờ chi trả hộ thay cho các bộ phận chuyên môn ở thị trấn. Nếu khi thị trấn nhờ có kèm danh sách ký nhận thì sẽ không ai bàn cãi. Về tiền tôi không ăn bớt”.
Nói vậy nhưng ông Huệ vẫn giữ các giấy nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo tiền điện, có ký nhận nhưng danh sách nhận không đủ. Nhìn các danh sách nhận tiền thì đa số các hộ dân di cư tự do từ phía Bắc vào đều không nhận. Ngoài ra, theo kết luận số 01 như trên của Đoàn kiểm tra (gửi lại cho dân) lại có kết quả ngược với ông Huệ nói. Theo đó, quy trình xét hộ nghèo hàng năm ở tổ dân phố 5 chưa đảm bảo, chưa công khai trước dân. Số hộ nghèo trong danh sách thông qua trước dân thấp hơn số hộ thực tế có trong danh sách hộ nghèo. Theo kết quả điều tra, tất cả các hộ nghèo thuộc diện di cư từ ngoài Bắc vào đều không hề hay biết. Tất cả khoản chi hỗ trợ tiền điện cho họ có chữ ký nhưng không đúng.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Đức Xuân, Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết: “Quan điểm của thị trấn cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn là đề nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ dân phố, mà cụ thể là ông tổ trưởng”.
Rõ ràng, trong sự việc này thị trấn không thể vô can. Không lẽ suốt 3 năm, UBND thị trấn Plei Kần lại không hề hay biết? Việc kiểm tra, rà soát hộ nghèo gần như khoán cả cho cơ sở. Công tác chi trả chế độ, chính sách cũng không thực hiện, mà giao ông Huệ. Ngoài ra, trong kết luận đoàn thanh tra gửi cho mọi người, có cùng ngày, cùng số nhưng nội dung gửi cho mỗi người lại khác nhau. Các kết luận cũng chẳng có đóng dấu, tên người ký... Ông Xuân lý giải: “Có thể là do buổi sáng đồng chí Hùng (Phó Chủ tịch UBND thị trấn) báo cáo để làm việc với tổ dân phố. Buổi chiều là có một số nội dung cần điều chỉnh để báo lại ủy ban. Cái này có thể ngẫu nhiên thôi (!)”.
Chưa biết vụ việc này các cơ quan chức năng sẽ xác minh như thế nào nhưng những hộ dân nghèo nơi đây đang ngày ngày mong mỏi các chế độ, chính sách dành cho mình sẽ sớm được thực hiện.
Bài và ảnh: Cao Nguyên