Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi đều là huyện nghèo gồm: Tây Trà, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng. Ở 6 huyện này, địa hình khá phức tạp, nhiều đồi núi cao, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, mùa mưa thường xảy ra sạt lở lớn, mùa nắng lại bị khô hạn kéo dài, diện tích đất canh tác ít. Do vậy, cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Dân số ở 6 huyện này chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Hrê, Cor, Ca dong, chiếm 80,50% dân số toàn vùng. Để thay đổi nhận thức và nếp sinh hoạt truyền thống của bà con, thuyết phục họ áp dụng tiến bộ khoa học vào cuộc sống là điều không dễ dàng.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỉnh lồng ghép các chương trình, chính sách nhằm huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội miền núi, điển hình như Chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình Hỗ trợ thực hiện Chương trình 135-II (ISP) do Chính phủ Ôxtrâylia tài trợ…
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 6 huyện miền núi, đến nay đã đạt được kết quả rất khả quan. Đến cuối năm 2011, các địa phương đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10.260 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí giải ngân 246 tỷ 628 triệu đồng. Bốn huyện: Minh Long, Tây Trà, Sơn Hà và Trà Bồng đã xây dựng hoàn thành 100% nhà ở cho người nghèo.
Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn và đào tạo nhằm nâng cao năng lực, công tác xuất khẩu lao động trong thời gian qua ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 3 năm 2009-2011, đã có trên 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hàng trăm hộ gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đã thay đổi cuộc sống rõ rệt, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Công tác đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng miền núi cũng được quan tâm đầu tư với tổng kinh phí 566.100 tỷ đồng, chiếm gần 82,7% tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 30a, UBND tỉnh phân khai để đầu tư xây dựng 187 hạng mục công trình. Trong đó, có 62 công trình giao thông, 48 công trình thủy lợi, 13 công trình trường lớp học, 14 công trình trạm y tế, 9 công trình sinh hoạt, 3 công trình chợ, 6 công trình nhà văn hóa. Đến tháng 1/2012 đã có 106 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Toàn tỉnh hiện còn 75.034 hộ nghèo, trong đó tỉ lệ hộ nghèo ở 6 huyện miền núi giảm xuống còn 55,12% theo chuẩn mới. Nhìn chung, các chương trình và chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi đã được các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng triển khai, góp phần ổn định đời sống và phát triển sản xuất của bà con, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trình độ và năng lực của cán bộ cơ sở đã được nâng cao.
Tuy vậy, việc thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Một số chính sách chưa được cụ thể hóa nên gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Nguồn vốn chưa tương xứng với Đề án được duyệt, gây khó khăn trong công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động trên địa bàn. Ban chỉ đạo triển khai thực hiện chưa đồng bộ các nội dung, công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Vốn đầu tư không được bố trí theo tiến độ được phê duyệt làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.
Bà Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án, quán triệt và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về các chương trình hỗ trợ chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện và cơ hội để đồng bào các dân tộc tích cực, chủ động tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách.
Trần Thị Minh Phượng