Năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã triển khai mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp các hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Một mô hình VACR ở huyện Ba Tơ. |
Mô hình trang trại VACR của anh Chế Minh Thái, xã Ba Tiêu (huyện Ba Tơ) được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ triển khai trên tổng diện tích trên 3 ha, kinh phí đầu tư gần 155 triệu đồng, gồm trồng rừng, nuôi cá, chăn nuôi trâu, lợn, nuôi gà thả vườn. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả. Mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình anh đã có thu nhập gần 100 triệu đồng. Qua thực tiễn chăn nuôi trồng trọt, anh Thái đã bước đầu biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế trang trại, tận dụng tối đa nguồn lực và thức ăn tại chỗ cho gia súc, sử dụng nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Anh Thái cho biết: Hàng năm, từ mô hình trang trại, gia đình bán từ 40 - 50 con lợn thịt. Gà tự ấp nở ở nhà chứ không mua gà con ở các nơi, một năm cũng bán được từ 400 - 500 con, cho thu nhập khá. Đàn trâu cũng phát triển tốt, năm vừa rồi bán 3 con với giá hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, cây keo trồng với nhiều độ tuổi khác nhau, đến năm 2015 bắt đầu cho khai thác.
Gia đình anh Phạm Văn Lam (xã Ba Vinh) cũng được Trạm Khuyến nông huyện đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại trên diện tích 2 ha, với tổng kinh phí trên 140 triệu đồng, gồm trồng rừng, chăn nuôi lợn ki (lợn rừng được thuần hóa), gà thả vườn, nuôi cá. Từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình anh đã có thu nhập gần 70 triệu đồng. “Thực hiện mô hình do Trạm Khuyến nông đầu tư, giờ đây đàn lợn ki, gà thả vườn và cá đều đã có bán với số lượng khá. Trước khi tiến hành chăn nuôi, trồng trọt, tôi đã được Trung tâm khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật nuôi trồng nên đã có những kiến thức cơ bản để áp dụng vào thực tế. Bản thân tôi cũng đã truyền đạt kinh nghiệm có được cho một số hộ mới thành lập mô hình”, anh Lam chia sẻ.
Tính đến nay, huyện Ba Tơ đã hình thành được gần 70 mô hình VACR với quy mô vừa và nhỏ. Nhìn chung các mô hình kinh tế trang trại đều hiệu quả; sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho các gia đình từ 70 - 100 triệu đồng. Mô hình đã tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Lục, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết: Nhận thấy mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương, Trạm Khuyến nông đã quyết định nhân rộng mô hình.
Xây dựng mô hình trang trại VACR đã giúp người nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển sản xuất.
Bài và ảnh: Đinh Thị Hương