Hạn chế di cư tự do - Bài cuối: Đồng bào Mông sẽ ổn định cuộc sống

Ngày 12/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015” (gọi tắt là Đề án 79). Đây là đề án mang tính đặc thù để ổn định dân di cư tự do ở Mường Nhé. Phóng viên Tin Tức đã trao đổi với ông Lê Thành Đô (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, kiêm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 79.

Xin ông cho biết, tình hình dân di cư tự do đang diễn ra như thế nào và hệ lụy của nó?


Di cư tự do hầu hết là đồng bào Mông, từ các địa phương trong tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai... thậm chí là có cả dân tộc Mông ở Đắk Nông di cư về địa bàn huyện Mường Nhé. Việc này làm phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế, bố trí dân cư và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện... Với số lượng dân cư tăng nhanh trong thời gian ngắn gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh cho nhân dân.


Trước tình hình trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 79, nhằm sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất cho hơn 10.000 hộ dân di cư trên địa bàn của huyện Mường Nhé; thực hiện cơ chế chính sách, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống để xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

 

Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai Đề án 79 là gì, thưa ông?

Sau khi Đề án 79 được phê duyệt, Chính phủ và các bộ ngành TƯ thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và bố trí vốn kịp thời. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định, thực hiện đề án 79 này là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh từ nay đến năm 2015. Được sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Mường Nhé, đến nay, đã vận động được 795/gần 1.000 hộ thuộc diện di chuyển vào các điểm quy hoạch; hoàn thành rà soát nhân khẩu, hộ khẩu. Về công tác quy hoạch và lập các phương án sắp xếp, ổn định dân cư, đến nay đã hoàn thành được 14 phương án sắp xếp ổn định và xen ghép tại chỗ. Đã phê duyệt được 15/29 điểm bản để thành lập bản mới; sắp xếp được 523 hộ thuộc 14 phương án sắp xếp, ổn định xen ghép tại chỗ và thực hiện các chính sách về hỗ trợ hơn 3 tấn giống lúa và gần 200 con dê cho đồng bào bước đầu phát triển kinh tế, sản xuất theo chính sách ưu đãi của đề án. Về đầu tư hạ tầng, huyện đã triển khai được 63 danh mục dự án đầu tư, trong đó, đã hoàn thành được 19 dự án, còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện. Đến đầu năm 2013 đã giải ngân được 220/315 tỷ đồng vốn được giao.

 

Để thực hiện đề án, trong thời gian tới cần có những giải pháp gì, thưa ông?

Thời gian tới đây, tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé và Ban chỉ đạo đề án của tỉnh Điện Biên đã xác định tập trung vào thực hiện một số các nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tuyên truyền, vận động để những hộ chưa đăng ký tiếp tục đăng ký vào các điểm bản theo quy hoạch; đồng thời làm tốt công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng cho những hộ đã di chuyển đến nơi ở mới; hoàn thành việc lập và phê duyệt các phương án sắp xếp, ổn định dân cư còn lại; tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: nước sinh hoạt, đường giao thông đến các điểm bản và thực hiện hỗ trợ việc di chuyển cho dân, để ổn định sản xuất. Mục tiêu là đến cuối năm 2013, phải tổ chức di chuyển được dân đến nơi ở tập trung ở các điểm bản mới; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống để cho đồng bào khi thực hiện di dời; xây dựng củng cố hệ thống chính trị sau khi di chuyển đến các điểm bản; phối hợp cùng lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh trật tự...


 

Ổn định dân cư để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Trọng Thủy

 

Để đề án đặt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đề nghị: Đối với các dự án đã giao cho địa phương tự thẩm định thì Chính phủ cũng giao cho địa phương tự cân đối và bố trí vốn, làm sao không vượt quá tổng vốn kế hoạch hàng năm được giao và không tăng danh mục các dự án đã được phê duyệt tại Quyết định 79. Về phía địa phương, đề nghị các sở, ngành tăng cường nhân lực để giúp đỡ huyện trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác về đền bù giải phóng mặt bằng, vì lực lượng của huyện không đủ sức để triển khai trên diện rộng đối với tất cả các chương trình dự án trong đề án này.


PV - Hữu Trung (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN