Hai mươi năm gom kỷ vật lập bảo tàng chiến tranh

Hơn 20 năm qua, người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (Phú Thượng, Hà Nội) vẫn một mình âm thầm, lặn lội trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí vượt đường rừng đến biên giới rồi sang nước bạn để tìm những kỷ vật thời chiến trận, lập bảo tàng chiến tranh như một lời tri ân cùng đồng đội.

Từ tấm chăn, chiếc võng ấm tình


Bước vào “bảo tàng chứng tích chiến tranh” của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp, tôi ngỡ như mình đang ngược thời gian, quay trở lại 30 - 40 năm trước. Giữa phòng là “bàn chỉ huy quân sự” của hậu cứ Trường Sơn. Chiếc bàn sắt cùng những chiếc ghế màu bộ đội, điện thoại bàn, máy bộ đàm đều in hằn dấu vết thời gian… “Đây là phòng họp kín của bộ chỉ huy quân ta bàn kế hoạch tác chiến đối phó với địch”, ông Hiệp giới thiệu.

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên những kỷ vật chiến tranh tại “bảo tàng”.


Ngồi bên chiếc bàn ấy, lật giở một tấm chăn và chiếc võng đã ngả màu, ông trầm ngâm nhớ lại những ngày quân ngũ của mình. Năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi, vừa học hết lớp 9, chàng trai Nguyễn Mạnh Hiệp một mực xin ra mặt trận dù không thuộc diện nhập ngũ vì anh trai Hiệp đã hi sinh ngoài chiến trường. Khi nhập ngũ, Hiệp được biên chế vào Tiểu đoàn 420, Sư đoàn 320B. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, chàng trai Hà Nội nhận được lệnh đi B với nhiệm vụ trinh sát, bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên.


Sau đó, ông cùng đồng đội phải mất 3 tháng ròng rã đi bộ hành quân từ Ninh Bình vào chiến trường A Lưới (Thừa Thiên - Huế), đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy, bom rơi, đạn nổ và cái đói. Ông Hiệp nhớ lại: “Trèo đèo lội suối, luồn rừng ròng rã nhưng nguy hiểm nhất là bom rơi, đạn nổ của kẻ thù, cái đói luôn thường trực. Chúng tôi chỉ ăn khoai, sắn và rau rừng qua bữa, đã thế lại còn bị sốt rét hành hạ”.


Mặt trận ngày càng ác liệt, nhiều đồng đội của ông đã hi sinh. Cuối năm 1969, sư đoàn của ông cùng Sư đoàn 324 nhận nhiệm vụ đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch tại đồi Abia mà quân Mỹ gọi là “đồi thịt băm”, đây là những ký ức ông không bao giờ quên. “Quân Mỹ đặt tên cho trận chiến ấy là “Tuyết rơi trên đỉnh núi” nhưng sau đó đã bị quân ta biến thành “Máu rơi trên đỉnh núi”. Nhưng cái giá mà ta phải trả cũng không hề rẻ. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh trong trận chiến ấy”. Cũng chính năm ấy, ông Hiệp bị thương nặng và được điều trị tại Bệnh viện 268 (Huế).

Những vật dụng thân quen của các chiến sĩ.


Trận ấy, ông bị nhiều mảnh đạn găm vào đỉnh trán; vành tai cũng bị đạn xén đứt một mảnh. Ông vén tóc đang rủ trên trán, chỉ vào vết sẹo rồi nói: “Vẫn còn một mảnh đạn nữa đang nằm ở đây. Nó ổn định rồi nên tôi cũng chẳng muốn mổ xẻ gì nữa”. Điều trị ở Bệnh viện 268 chừng hơn một tháng, vết thương chưa lành hẳn, ông lại bị chứng sốt rét hành hạ. Tấm chăn và chiếc võng đã theo ông từ đó đến giờ với một kỷ niệm khó phai.


“Khi tôi nằm điều trị tại viện, một hôm giám đốc bệnh viện đến dúi vào tay một tấm chăn và một chiếc võng, nói rằng có thủ trưởng trên quân khu thấy tôi sốt rét nên gửi tặng. Khi đó tôi run lên bần bật, phần vì rét, phần vì xúc động. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết, đồng chí Trần Minh Đức, Cục trưởng Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiên lúc bấy giờ đã gửi chăn và võng của mình tặng tôi”, ông Hiệp kể lại, khuôn mặt không giấu nỗi niềm xúc động.


Tấm chăn nay vẫn còn lành lặn, nhưng chiếc võng đã có miếng vá khá lớn. Lần tay theo đường chỉ được may khá cẩn thận dọc theo miếng vá, ông kể: “Chiếc võng bị rách dọc khoảng 30 cm khi tôi ở Quảng Bình. Lúc về đến Viện Quân y 5, tôi đã nhờ một chị nhà ở cổng viện vá giúp”.


Trải qua chiến trận, muốn lưu giữ những kỷ vật của bản thân mình, của đồng đội và để giúp con cháu được “mắt thấy tai nghe” về cuộc chiến thần thánh của dân tộc qua các kỷ vật biết nói, ông Hiệp đã lập nên bảo tàng này.

Lặn lội tìm kỷ vật


Suốt 20 năm qua, một mình người cựu chiến binh già ấy lặn lội hết trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang cả nước bạn Lào để tìm kiếm kỷ vật từ chiến trường năm xưa ông tham gia chiến đấu. Hễ hay tin ở đâu người dân tìm được các kỷ vật như nhật ký, bom mìn, quân trang và vật dụng của bộ đội ta và địch còn sót lại là ông tìm đến hỏi mua bằng được. Hoặc có những đồng đội cũ biết được tấm lòng của ông cũng mang những kỷ vật quý báu của mình đến nhờ ông cất giữ. Đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân 22/12/2012, ông đã khánh thành “bảo tàng chứng tích chiến tranh”, cũng là nơi để các đồng đội cũ của ông gặp gỡ và giao lưu.

Hiện có rất nhiều kỷ vật quý đang được lưu giữ ở “bảo tàng chứng tích chiến tranh”. Cùng với đó, bảo tàng còn trưng bày hàng ngàn bức tranh, ảnh cuộc chiến, trong đó, đáng chú ý có bức ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; ảnh theo bước chân thần tốc của người lính quân khu Trị Thiên; ảnh kéo cờ giải phóng trên cột cờ Phú Văn Lâu ngày 25/3/1975, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng.


“Bảo tàng” của ông Hiệp rộng chừng 30 m2, trước đây vốn là sân để cây cảnh của ông. Ngay từ ngoài cửa vào là quả đạn pháo 203 mm và 2 quả đạn 175 mm, “vua chiến trường” một thời của quân đội Mỹ. Bên trong là các tủ kính dùng để bày hiện vật. Trong các tủ kính đủ cả những vật dụng thời chiến của quân đội hai phía: từ chiếc bát ăn cơm, cốc nước, ba lô, mũ cối… của các chiến sĩ ta hay áo giáp, súng đạn, máy tra tấn điện… của quân thù. Trên tường là cả nghìn bức ảnh sinh động về thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chân dung 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Hiện “bảo tàng” đang trưng bày gần 3.000 hiện vật, để tìm kiếm được bấy nhiêu kỷ vật quả không phải là điều dễ dàng với người thương binh Nguyễn Mạnh Hiệp.


Ông đã từng lê la ở rất nhiều cửa hàng buôn bán phế liệu ở khắp nơi để tìm kiếm kỷ vật. Đến đâu ông cũng để lại số điện thoại để khi có hiện vật mới, chủ cửa hàng sẽ liên hệ với ông. Ông kể, có những kỷ vật, ông tìm lại được rất dễ nhưng cũng có những kỷ vật ông phải vất vả vô cùng mới có được. Trong một lần tìm kiếm, ông thấy vỏ quả bom 500 kg từ Khe Sanh (Quảng Trị); nhưng khi đó tiền không còn, ông phải vay mượn bạn bè để thuê xe tải đi từ Hà Nội vào tận nơi chở ra. Lúc đó, miền Trung đang gặp bão, trời mưa to, sấm chớp. Chiếc xe ông thuê chở vỏ quả bom từ rừng ra không ít lần gặp lầy, không thể lăn bánh được. Trên đường vận chuyển về, vỏ bom này không ít lần bị các chiến sĩ cảnh sát giao thông thu giữ nhưng khi nghe ông giải thích về ý định lập bảo tàng của mình, họ lại cho ông đi tiếp. Ông phải mất một tuần mới chuyển được kỷ vật ấy về đến nhà.


“Chi phí cho mỗi lần như vậy không nhiều nhưng thực sự tôi phải nỗ lực lắm mới thu xếp đủ. Được cái vợ tôi tâm lý lắm, mỗi lần tôi đi tìm kỷ vật, bà ấy đều chuẩn bị tươm tất đồ đạc, lo tiền cho tôi đi”, ông Hiệp tự hào. Trong suốt quá trình 20 năm tìm kiếm kỷ vật của ông Hiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, người vợ hiền đã luôn sát cánh bên ông. Khi chúng tôi đến thăm bảo tàng, bà Liên cũng có mặt cùng đứa cháu nội 3 tuổi. Chỉ những kỷ vật trong phòng, bà cười nói: “Thấy ông ấy tâm huyết với ý tưởng xây dựng bảo tàng và đây là một việc ý nghĩa nên tôi và các con tôi rất ủng hộ. Giờ đây bảo tàng này còn là nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ chiến sĩ. Đồng đội của ông ấy vẫn đến đây thường xuyên”.


Ông Hiệp trầm ngâm: “Tôi còn sống được đến ngày hôm nay là may mắn lắm rồi. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường xưa, thậm chí có người còn không có đến một nấm mồ. Tôi lưu giữ những kỷ vật này lại cho con cháu xem, để chúng hiểu mà trân trọng quá khứ”. Nói rồi, người thương binh với mái tóc đã bạc gần hết cẩn thận gập chiếc võng, tấm chăn để vào ba lô, cất đi những kỷ vật quý báu và giá trị nhất trong cuộc đời mình.

Bài và ảnh: Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN