Người dân chờ đến lượt đăng ký số tiêm. Ảnh: TTXVN phát |
Tại điểm tiêm chủng POLYVAC, bất chấp trời lạnh giá người dân có mặt từ nửa đêm trước, để có được một mũi tiêm cho con cháu mình, nhiều người đã ngất xỉu vì chen lấn. Từ sáng 25/12, tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC cơ sở 1, số 418 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai và cơ sở 2 số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội đã bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân.
Nhưng do lượng người tập trung quá đông, nhu cầu quá lớn dẫn đến tình trạng quá tải, ngay trong buổi sáng, Phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC (Bệnh viện Đại học quốc gia Hà Nội) đã dừng tiêm chủng vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) tại số 182 Lương Thế Vinh.
Theo thông báo của điểm tiêm này thì trong ngày 25/12 phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC thực hiện tiêm vắc xin Pentaxim tại hai cơ sở. Cơ sở 1 (418 Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Hoàng Mai) chỉ tiêm trả nợ cho khách hàng đăng ký đợt tháng 1/2015, và cơ sở hai (cơ sở liên kết, tại 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân) triển khai phát số thứ tự 70 số để tiêm vắc xin Pentaxim/buổi, 30 số thứ tự cho các khách hàng tiêm nhắc vắc xin khác theo đúng lịch. Một số khách hàng chờ đợi từ sáng sớm không thuộc diện được tiêm đã ngất xỉu khi nghe thông tin này.
Điểm tiêm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Hà Nội cũng cho biết, bệnh viện sẽ thông báo phương án tổ chức tiêm chính thức trước 19 giờ ngày 25/12. Hoạt động khám chữa bệnh và tiêm chủng các loại vắc xin khác vẫn tiến hành bình thường.
Được biết, tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC cơ sở 1, số 418 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai và cơ sở 2 số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội quy định khách hàng đến tiêm phải xếp số tại quầy lễ tân, số thứ tự buổi nào sẽ phát vào giờ làm việc buổi đó, ưu tiên cho trẻ chưa hoàn thành 3 mũi cơ bản.
Phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC mỗi buổi chỉ tiêm cho 30 trẻ, giá là 720.000 đồng/liều. Những cơ sở này không nhận đăng ký tiêm đặt trước dưới mọi hình thức. Những cơ sở tiêm chủng khác tại Hà Nội cho biết sẽ triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 vào tuần sau.
Chiều 25/12, trao đổi với phóng viên
Báo Tin Tức, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện nay, Trung tâm cũng đã nhận 3.200 liều vắc xin 5 trong 1 nhưng đang thực hiện quy trình để bắt đầu triển khai tiêm từ tuần tới. Việc tiêm vắc xin này đảm bảo minh bạch, công bằng. Dự kiến trung tâm sẽ tổ chức tiêm tại địa chỉ số 70 Nguyễn Chí Thanh và sẽ thông báo công khai và không nhận đặt trước.
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Đắc Phu cho biết, đây là lần đầu tiên Phòng tiêm chủng vắc xin 182 Lương Thế Vinh tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ nên mới để xảy ra việc trên. Hôm nay Cục Y tế dự phòng làm việc với các điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội để rút kinh nghiệm và có kế hoạch trong những lần tổ chức tiêm tới, không để xảy ra tình trạng này.
Ngay trong ngày 25/12, Cục Y tế Dự phòng đã có Công văn khẩn số 1695/DP – VX về việc tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin dịch vụ gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Để tránh tình trạng mất trật tự tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được tiêm chủng an toàn, hiệu quả, Cục Y tế Dự phòng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố lập kế hoạch chi tiết tổ chức buổi tiêm chủng phù hợp với lượng vắc xin được phân bổ; công bố công khai cho người dân được biết, dự kiến đối tượng và thời gian tại điểm tiêm chủng.
Lưu ý tổ chức cho người dân được đăng ký đảm bảo khoa học qua điện thoại, Internet và các phương tiện truyền thông khác, để người dân dễ dàng tiếp cận và đăng ký; tránh hiện tượng tập trung đông người tại cơ sở tiêm chủng gây mất trật tự và tâm lý hoang mang cho người chờ đợi.
Việc tổ chức tiêm chủng phải theo đúng quy định và nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ như tự ý nâng giá vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin tại nơi không đủ các điều kiện như quy định. Như Công ty nhập khẩu vắc xin Pentaxim (Phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib) đã cho biết trước đó, hiện miền Bắc đã tiếp nhận 15.000 liều vắc xin này của hãng Sanofi Pasteur – Pháp.
Theo đó, vắc xin này do Công ty Sanofi Pasteur - Cộng hòa Pháp sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Phát triển đầu tư Hồng Thúy nhập khẩu vào Việt Nam. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho biết, trong năm 2016 sẽ có khoảng 49.000 liều vắc xin 6 trong 1 được cung ứng cho thị trường Việt Nam. Con số này nhiều hơn lượng vắc xin cung ứng năm 2015 là 11.000 liều.