Chiếc xe Land Cruise chuyên leo địa hình hiểm trở và bác tài đầy kinh nghiệm vậy mà cũng phải chậm rãi, khó nhọc vượt những cung đường có địa hình hiểm trở, núi đồi cao, dốc xen kẽ với những thung lũng sâu và hẹp để đưa đoàn chúng tôi lên với Sìn Hồ và Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Thực hiện Nghị quyết 30A /2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của cả nước”, tháng 5/2009, VNPT đã ký kết với UBND tỉnh Lai Châu đã ký kết thỏa thuận về việc VNPT hỗ trợ gần 200 tỷ đồng tham gia vào quá trình xóa đói giảm nghèo ở 2 huyện vùng sâu, vùng xa biên giới là Mường Tè và Sìn Hồ của tỉnh. Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, cùng với các ban, ngành chức năng có liên quan và đặc biệt là sự tham gia tích cực của Bộ đội Biên phòng tỉnh, hàng loạt công việc đã nhanh chóng được triển khai tạo nên những chuyển biến cơ bản bước đầu trong đời sống kinh tế - xã hội ở 2 huyện này.
Xác định rõ đầu tư về con người là sự đầu tư đúng hướng và bền vững nhất, giúp cho những vùng đất xa xôi, khó khăn này có cơ hội phát triển trong tương lai, VNPT đã dành sự tập trung trước hết vào những công trình văn hóa, xã hội, phúc lợi công cộng. Đó là các nhà bán trú dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, các cơ sở dạy nghề cho người dân địa phương, các trung tâm giáo dục lao động xã hội, các mái nhà tình nghĩa, các cơ sở y tế… Có đến tận nơi, chứng kiến những khó khăn, vất vả, những thiếu thốn đủ mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương nơi đây mới thấu hiểu sự giúp đỡ, dù là nhỏ nhất cũng đáng quý biết nhường nào.
Có đến với trường THCS xã Tả Phìn, Sìn Hồ vào mùa đông, giữa ngôi nhà bán trú khang trang 8 phòng mới thấu cái lạnh vùng biên cương. Quần áo ấm cùng khăn chùm kín mít thì hai hàm răng vẫn cứ va nhau lập cập.
Áo đã không đủ ấm, gió còn lật tung cả mái lá, những “bờ tường” bằng tôn cũng trở nên xiêu vẹo. Những cơn gió núi, mưa rừng dữ dội dường như không biết thương sự nghèo khó của học sinh nơi đây. Cái rét và cái ướt khiến các em thường xuyên phải ôm quần áo sách vở chạy từ góc này sang góc khác, thậm chí có những hôm ướt hết cả chỗ nằm và chỗ nấu cơm cũng ướt… Không chỉ riêng ở Tả Phìn mà nhiều “ngôi trường” bán trú khác ở Sìn Hồ và Mường Tè đều có hoàn cảnh tương tự.
Vừa chuyển từ “nhà” mái lá, vách nứa sang ngôi nhà bán trú còn thơm nồng mùi vôi mới, em Khoàng Phì Pư, dân tộc Hà Nhì, học sinh lớp 6 trường THCS Ka Lăng - Mường Tè, nói: “Em không thể tưởng tượng được mình lại được ở trong ngôi nhà mới đẹp đến như thế này. Lại còn có cả giường tầng và bàn ghế ngồi học nữa. Bây giờ chúng em không còn bị mưa rét như lúc ở trong các lán lá nữa, cũng không phải vào bản ngủ nhờ nữa. Em vui lắm và sẽ cố gắng học tập thật tốt”. Nhìn 15 phòng ở rộng rãi với mỗi phòng 36 m2 và 3 phòng bếp khang trang sạch sẽ, các em còn được hỗ trợ cả tiền ăn. Tôi thầm nghĩ, vậy là cuộc sống của 150 em nội trú ở ngôi trường này đã bước sang một trang mới…
Cùng với những ngôi nhà bán trú, những ngôi nhà tình nghĩa cũng nhanh chóng được xây dựng. Mẹ Chẻo Mí Nải, năm nay đã 93 tuổi, người dân tộc Dao ở khu 1 thị trấn Sìn Hồ có 4 người con trai thì con trai út là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ là một trong số 18 hộ gia đình chính sách ở huyện Sìn Hồ được VNPT hỗ trợ kinh phí để xây nhà tình nghĩa. Khi được nhận nhà mới, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má già nua của mẹ, ngồi trong căn nhà mới kiên cố và rộng rãi, mẹ xúc động nói: “Có nhà mới mẹ vui lắm, không còn lo nhà dột nữa rồi. Bây giờ mẹ còn có cả bàn ghế mới để ngồi, có cả ti vi để xem nữa. Cũng là các anh chị đó cho mẹ đấy…”. Căn nhà của mẹ là 1 trong 24 căn nhà tình nghĩa mà VNPT đã bỏ kinh phí xây dựng tặng các gia đình chính sách và có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, với sự góp sức của Bộ đội Biên phòng tỉnh, VNPT đầu tư hỗ trợ xóa bỏ toàn bộ 2.270 nhà tạm tại hai huyện với kinh phí hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà, thêm phần no ấm và hạnh phúc hơn dưới những mái nhà được xây dựng kiên cố…