Trước thực tế bất cập trong đào tạo ĐH hiện nay, Bộ GD -ĐT thực hiện đẩy mạnh hướng nghiệp, rà soát chương trình, mục tiêu đào tạo, cân đối ngành, nghề đào tạo, đảm bảo đào tạo gắn với thực tiễn, tăng cường hợp tác giữa các trường ĐH, CĐ và đơn vị sử dụng lao động.
Thực hiện ba công khai
Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD -ĐT đã yêu cầu các trường rà soát chương trình, đảm bảo tính liên thông trong đào tạo. Thực hiện 3 công khai (công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo; công khai thu chi tài chính) nhằm tạo cơ chế giám sát xã hội về chất lượng đào tạo và động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, các trường phải thực hiện thống kê việc làm của sinh viên sau khi ra trường; vốn là việc các trường chưa thực sự chú trọng. Theo thống kê của Bộ GD -ĐT, đến tháng 8/2012 đã có 139 trường ĐH và 98 trường CĐ hoàn thành tự báo cáo đánh giá, đạt tỷ lệ 50%.
Thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia ngày hội hướng nghiệp, dạy nghề lần I - năm 2013. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo thống kê của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, số sinh viên ra trường có việc ngay rất ít, chỉ tầm 27 - 30% nhưng sau khi ra trường 1 - 3 năm thì con số này tăng lên tầm từ 80 - 90%. Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm chiếm 90%; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề cũng chiếm khoảng 90%. Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, với sinh viên niên khóa 2007 - 2011, tỷ lệ sinh viên có việc làm chiếm tới 94,4%, trong số đó sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường chiếm 85%; còn trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học chiếm khoảng 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó 75% phù hợp với ngành nghề đào tạo...
Con số từ khảo sát của các trường cho thấy lượng sinh viên ra trường có việc làm là rất khả quan nhưng có vẻ không thực sự khớp với thống kê của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thống kê từ các trường thường không bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, số sinh viên chưa tìm được việc tham gia khảo sát thấp hơn nhiều so với số sinh viên đã có việc. “Con số thống kê của trường dựa trên tổng số phiếu trả lời của sinh viên, thường chỉ chiếm 40 - 60%, nhiều sinh viên không gửi phản hồi lại cho chúng tôi. Một điều rất đáng buồn là trên 50% sinh viên được hỏi có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng và tỷ lệ sinh viên ít yêu nghề, muốn bỏ nghề ngày càng tăng lên”, thầy Nguyễn Công Khanh nói.
Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm, yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp; phối hợp giữa các bộ, ngành để xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho từng ngành...
Gắn đào tạo với thực tế
Đại diện Bộ GD -ĐT cho biết, đa số các trường ĐH, CĐ chỉ đào tạo theo thế mạnh của trường, trong khi đó phần lớn các đơn vị sử dụng lao động không có kế hoạch nhân lực dài hạn, chưa có thói quen hợp tác với các trường để đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của mình. Còn người học có xu hướng theo học các ngành mà sau khi ra trường có thu nhập cao, dễ tìm được việc làm (Kế toán, Tài chính ngân hàng...), dẫn tới việc số lượng sinh viên theo học các ngành này tăng nhanh, vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội, gây nên tình trạng mất cân đối ngành, nghề đào tạo.
Giải quyết bất cập này, Bộ GD - ĐT đã đưa ra giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và nhấn mạnh tới việc ban hành quy định về công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Đến nay đã có 150 trường đại học, cao đẳng thành lập trung tâm tư vấn việc làm. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực, từ năm 2013, Bộ GD - ĐT đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán...), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
Bộ cũng đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đối với người học về nhu cầu nhân lực trong hiện tại và tương lai gần. Việc cảnh báo đã góp phần giúp người học có định hướng và lựa chọn ngành nghề đúng đắn hơn. Năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành Kinh tế - Quản lý (nhóm trước đây đăng khá ồ ạt) đã giảm 10,5%, nhóm ngành còn thiếu nhân lực như: Khoa học sức khỏe tăng 1,7%; Môi trường và Bảo vệ môi trường tăng 1,4%; Công nghệ - Kỹ thuật tăng 0,5%. Bộ cũng tiến hành chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động; giảm quy mô đào tạo không chính quy (bằng 50% chính quy); củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông.
Đan Phương - Thu Trang