Gìn giữ và bảo tồn nhà truyền thống độc đáo ở xứ Lạng

Một trong những nét văn hóa độc đáo của mảnh đất Lạng Sơn là các công trình kiến trúc ngôi nhà truyền thống được trình tường bằng đất (nhà trình tường). Tuy nhiên, các kiểu nhà truyền thống ở nơi đây đang ít dần và có nguy cơ mai một nếu không có chính sách bảo tồn hợp lý.


 

Ngôi nhà trình tường truyền thống của đồng bào đang ít dần.

Nhà trình tường xứ Lạng có hai loại, một loại để người dân sinh sống bình thường, một loại cũng là nhà ở, nhưng có thêm tác dụng để phòng thủ đối với giặc giã và thú dữ quấy phá, nên gọi là nhà pháo đài. Hai loại nhà này được hình thành rất lâu đời, gắn với phong tục tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nhà trình tường để ở của đồng bào độc đáo ở chỗ các bức tường được trình bằng đất đỏ pha đất sét, đổ nước cho vừa và dùng sức trâu kết hợp với sức người nhào nặn thật nhuyễn, đổ vào khuôn bề rộng 40 - 80 cm, sau đó dùng chầy gỗ nện chặt, cứ làm như vậy kéo theo chiều dài và nâng theo chiều cao đã định. Nhà thường có 3 gian, 2 chái, một bên làm kho, một bên làm bếp, bàn thờ được đặt tại gian giữa, sau bàn thờ là buồng dành cho người già, phía trước nhà có sàn phơi thóc, lúa, ngô và phơi quần áo...


Còn đối với nhà pháo đài thường xây dựng nhà giữa lưng chừng núi, với những kiểu nhà mang tính chất phòng thủ. Nhà pháo đài có kết cấu nhà gồm có nhiều gian, ngăn này thông ra ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia cắt từng ngăn. Thông thường nhà pháo đài gồm hai tầng, có hiên ở đằng trước xây thành một hành lang phòng thủ, chung quanh tường nhà và cửa sổ có lỗ châu mai. Phía chính cửa gia chủ còn làm một giàn đá tảng rất chắc, nếu kẻ gian vào lập tức sẽ bị giàn đá đổ ập xuống. Ngoài ra trong nhà còn có nhiều ngăn, mỗi ngăn đều có cửa riêng và có lỗ châu mai phòng khi hành lang bị chiếm, gia chủ có thể rút lui vào các phòng trong để tiếp tục chiến đấu.


Ông Lương Văn Chịch, Trưởng thôn Bản Mìn, xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng cho biết: Loại nhà trình tường và nhà pháo đài có từ hàng trăm năm về trước và đã trở thành một nét văn hóa kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên thì nhiều căn nhà mới hiện đại hơn, khang trang hơn đã thay thế các căn nhà trình tường, nhà pháo đài; số lượng nhà trình tường ít dần đi.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho đến thời điểm này chưa thống kê được chính xác số lượng nhà trình tường truyền thống của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn, có bao nhiêu nhà còn nguyên vẹn, đã xuống cấp hoặc bị phá hủy nhưng thực tế thì loại nhà này đang dần “biến mất”. Bà Ấu Thị Nga Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do tác động của xu thế mở cửa và phát triển hội nhập, nhân dân có điều kiện giao thương, buôn bán, tiếp thu khoa học công nghệ mới nên đời sống ngày càng phát triển, ở vùng nông thôn người dân đã chuyển sang xây nhà kiên cố, các kiểu nhà truyền thống đang bị xuống cấp và có xu hướng bị mai một dần. Một số chương trình, dự án của Trung ương hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn triển khai về “Bảo tồn và phát triển các làng, bản buôn truyền thống với tiêu chí là khuyến khích bảo tồn nhà cửa, trang phục, nghề thủ công truyền thống” nhưng hiệu quả thấp. Cần xây dựng các giải pháp thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong đó chú trọng gìn giữ và bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn.

 

Thắng Trung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN