Giảm lãi suất - Tiền vẫn chảy vào ngân hàng

Mặc dù ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống 8 -11%/năm, khách hàng vẫn tiếp tục gửi tiền tiết kiệm vì đây là kênh an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhỏ tìm cách thương lượng với ngân hàng để hưởng lãi suất cao, nhất là những khách hàng thân thiết với ngân hàng và có tiền tỷ trở lên. Theo đó, hiện có một số ngân hàng nhỏ đã âm thầm “xé rào” lãi suất để hút tiền gửi, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) vay vốn do lãi suất cho vay chậm hạ.

 

Lãi suất hạ vẫn có lời


Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng: Dù lãi suất có hạ về 8%/năm, người gửi tiết kiệm vẫn có lợi.


 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - Chi nhánh Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thực tế cho thấy, tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy vào ngân hàng ngay sau Thông tư số 32/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 24/12/2012. Ít khách hàng phản ứng trước động thái giảm lãi suất của các ngân hàng. Phần lớn, lãi suất giảm áp dụng ở các kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng với lãi suất đồng đều là 8%/năm, từ 12 tháng trở lên lãi suất áp dụng 11%/năm.


Theo chị Vân - khách hàng của Ngân hàng ABBank chi nhánh tại quận 3, TP Hồ Chí Minh, “Có vài trăm triệu đồng trong tay, tôi không dám mạo hiểm đầu tư vào lúc này. Nhất là với dự báo của nhiều chuyên gia thì năm 2013 sẽ còn khó khăn hơn năm 2012. Như vậy, bỏ tiền mua nhà thì chưa đủ và cũng không khả quan do hầu hết các dự án nhà giá rẻ vẫn đang chậm tiến độ. Còn nếu kinh doanh thì chỉ là sự may mắn mà thôi. Theo đó, bỏ vào kênh tiết kiệm vẫn an toàn và hiệu quả nhất”.


Nhân viên giao dịch ABBank tại đây cũng cho hay, từ lúc giảm lãi suất huy động đến nay, lượng khách đến gửi tiền không giảm. Cũng có một số khách hàng quen có tiền tỷ trở lên muốn thương lượng được hưởng lãi suất cao như cũ, nhưng ngân hàng không đồng ý.


Thực tế, không ít khách hàng có lượng tiền nhàn rỗi nhiều vẫn muốn hưởng lãi suất cao. Nắm bắt nhu cầu trên, một số ngân hàng nhỏ đã “xé rào” lãi suất “đi đêm” với khách. Thay vì áp mức lãi suất huy động 8% như niêm yết, một số ngân hàng nhỏ vẫn sẵn sàng cộng thêm 1,5% và thậm chí tới 3% cho các khách hàng lớn. Tất nhiên, khoản chênh lệch không ghi trực tiếp vào sổ tiết kiệm hoặc lách chi trả qua hình thức kỳ hạn dài, song vẫn có thể rút trước hạn sau 1 đến 2 tháng. Hay, khoản chênh lệch lãi suất sẽ được ngân hàng “biến hóa” thông qua hình thức nhận tiền ngay, rút thăm trúng thưởng tiền, tặng quà giá trị lớn…

 

Nhưng vẫn khó vay


Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc các ngân hàng “xé rào” chủ yếu là ngân hàng nhỏ, không đủ tiền thanh khoản cuối năm. Vì thế, khi thấy tiền bị rút ra, những ngân hàng này sẵn sàng thương lượng “chi” thêm mức chênh lệch ngoài lãi suất thực ghi trên sổ tiết kiệm. Phổ biến nhất là những khoản tiền gửi ở kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng với mức lãi suất thỏa thuận 12 - 14%/năm.


Với tình trạng “xé rào” lãi suất, việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo các ngân hàng, hiện giảm lãi suất cho vay về 12%/năm chỉ áp dụng với các với doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với những đối tượng khác, ngân hàng vẫn chưa thể giảm lãi suất.


Đại diện Ngân hàng VIB cho hay, hiện ngân hàng đang theo dõi tình hình kinh doanh và biến động thị trường để có thể đề xuất mức lãi vay cụ thể. Tuy nhiên, với các khoản vay cũ, thời gian vay dài hạn không thể giảm lãi suất ngay được do phải huy động vốn giá cao trước đó. Nhưng với khoản vay ngắn hạn 1 - 3 tháng, sau khi đáo hạn sẽ được hưởng lãi suất mới.


Thế nhưng, nhiều DN cho biết, khi hỏi vay, các chi nhánh ngân hàng đều lắc đầu với lí do chờ hướng dẫn của Hội sở. Mặc khác, nếu được vay, các DN cũng khó vay vì không đáp ứng được tiêu chuẩn của các ngân hàng đặt ra như phải có tài sản đảm bảo, chứng minh nguồn thu nhập, mục đích sử dụng vốn... Trong khi đó, với tình hình kinh tế khó khăn, sức mua chậm, hàng hóa tiêu thụ khó khăn nên việc chứng minh nguồn thu nhập ổn định đang là vấn đề nan giải.


Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Ninh - Giám đốc Công ty TNHH XNK Kiến Ninh (quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông muốn vay kỳ hạn 1-2 năm để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh mới với một số đối tác nước ngoài, nhưng phần lớn mức lãi suất hấp dẫn như các ngân hàng nói chỉ là cho vay vốn lưu động, ưu đãi lãi suất thấp. Đối với kế hoạch dài hơi thì mức lãi suất vẫn từ 15-18%, rất khó để vay.


Theo ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc HDBank, dù ngân hàng dư thừa vốn, sẵn sàng giải ngân nhưng nếu đánh giá thấy khách hàng không tốt, độ rủi ro lớn thì lãi vay phải cao hơn, hoặc từ chối cho vay. Mặt khác, việc giảm lãi vay 1% là không đáng kể, chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp.

 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN