Giá xăng, dầu, điện tăng là theo lộ trình

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu ngày càng gia tăng; giá xăng, dầu, điện cùng tăng trong một thời điểm gây lo lắng trong dư luận là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Tăng giá theo lộ trình


Liên quan đến việc điều chỉnh giá hai mặt hàng thiết yếu là xăng và điện trong cùng một thời điểm (trong gần 1 tháng), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, giá điện được điều chỉnh theo lộ trình. Trên thực tế, từ tháng 12/2012 đến ngày 31/7/2013, nhằm ổn định sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân, chúng ta chưa điều chỉnh giá điện, trong khi chi phí cho ngành điện biến động lớn. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh tăng giá sẽ không thể đầu tư các công trình điện mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao về điện. Trước khi điều chỉnh giá điện, các bộ, ngành đã tính toán để không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như sản xuất của các doanh nghiệp… Đối với mặt hàng xăng dầu Nhà nước không bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu và các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thực tế, giá xăng đầu thế giới đã tăng cao hơn so với giá trong nước từ nhiều tháng nay, nhưng đến cuối tháng 7 vừa qua mới tăng giá.


Quyết liệt kiểm tra, xử lý


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ sự lo lắng của người dân về tình trạng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận. Bộ trưởng cho biết, đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan, quyết liệt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm và xác định đây là một trong những mặt hàng trọng tâm cần tập trung kiểm tra, kiểm soát.


Bộ trưởng cho rằng, để công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng đạt hiệu quả cao, rất cần sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương… Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, thuyết phục phải được đẩy mạnh để người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Phải có cơ chế để giám sát được chất lượng, giá thành và quá trình tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát và đảm bảo tính răn đe khi xử lý vi phạm…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.


Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận thấy kết quả trên chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng đa dạng và có cả yếu tố nước ngoài. Để giải quyết tình trạng này, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có 3 nhóm giải pháp: Một là, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón để sửa đổi, bổ sung đảm bảo vừa tạo điều kiện cho phát triển sản xuất vừa đảm bảo cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc chấp hành quy định của luật pháp trong sản xuất, kinh doanh phân bón… Bố trí đủ lực lượng có kiến thức, đạo đức và bản lĩnh trực tiếp kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón… Ba là, làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu…


Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ thông qua “Đề án chống buôn lậu và sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng” để đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.


Không quá 100 đầu mối xuất khẩu gạo


Với số lượng thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tăng không ngừng hàng năm, năm 2010 lên đến 300 doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế trong việc bảo đảm quyền lợi cho nông dân, bình ổn giá cả thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.


Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành đã sàng lọc đáng kể và loại bỏ các thương nhân không có thực lực, không có kho chứa, cơ sở xay xát, không định hướng đầu tư lâu dài phục vụ xuất khẩu gạo. Các thương nhân đã tích cực hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, chế biến, tổ chức hệ thống thu mua, tạm trữ, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu gạo và uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu gạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát tình hình, nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, từ việc ban hành quy chuẩn chính thức, quy hoạch kho chứa, cơ sở xay xát phục vụ xuất khẩu và các biện pháp điều hành cần thiết, để quản lý số lượng thương nhân đã được cấp giấy chứng nhận không vượt quá 100 đầu mối. Phó Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương xây dựng chủ trì xây dựng Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo…

 

Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN