Giá vàng tăng ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu bị phủ bóng đen vì những lo ngại dai dẳng về kinh tế Trung Quốc cùng những căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông.
Giá vàng đã tăng ngay sau khi biên bản cuộc họp tháng 12/2015 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố, cho thấy có những lo ngại rằng lạm phát có thể sẽ ở mức thấp nguy hiểm.
Cuối phiên 6/1 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 1,5% lên 1.093,62 USD/ounce, giữ một khoảng cách không quá xa so với mức cao nhất được lập vào ngày 16/11/2015 là 1.095,30 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2016 cũng tăng 1,3% lên 1.091,90 USD/ounce.
Hiện kim loại quý này đang được hậu thuẫn khi các thị trường chứng khoán thế giới liên tục đi xuống trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông cũng là một nhân tố tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Động thái đáng lo ngại mới nhất là việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa hạ giá đồng NDT, và CHDCND Triều Tiên công bố hoàn tất thử nghiệm bom nhiệt hạch. Bối cảnh bất ổn trên đã khiến nhà đầu tư quay trở lại với vàng như một kênh đầu tư an toàn.
* Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu
Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 6/1 giảm khoảng 6% sau khi thị trường nhận được báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay kho dự trữ các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ tăng. Cụ thể, kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2016 giảm 2 USD (5,6%) xuống 33,97 USD/thùng, đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2,19 USD (6%) xuống 34,23 USD/thùng, ghi dấu lần đầu tiên trong hơn 11 năm giá loại dầu này nằm dưới mốc 35 USD/thùng.
Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của cường quốc này giảm 5,1 triệu thùng xuống 482,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/1, trong khi các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg News dự đoán lượng dầu dự trữ tăng thêm 500.000 thùng. Tuy nhiên, thị trường đã không "đoái hoài" đến thống kê này mà lại tập trung vào thông tin dự trữ xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/1 tăng tới 10,6 triệu thùng. Dự trữ các chế phẩm chưng cất (gồm dầu diesel và nhiên liệu sưởi ấm) tăng 6,3 triệu thùng. Theo chuyên gia Andy Lipow thuộc Lipow Oil Associates, dự trữ các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh đã gây áp lực lớn đối với giá dầu thô.