Gia tăng chia rẽ Mỹ - Israel

Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel đang đầy hiềm khích và căng thẳng. Bất đồng giữa hai đồng minh này phản ánh những đổi thay sâu sắc trong cách Mỹ nhìn nhận về vai trò của mình trên thế giới và sự nhạy cảm ngày càng tăng đối với các chi phí cho an ninh quốc gia. Chính vì thế, sự chia rẽ giữa Mỹ và Israel trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên.

 

Mỹ và Israel thực hiện thành công vụ thử lần hai hệ thống đánh chặn tên lửa David’s Sling tại miền nam Israel ngày 20/11. Ảnh: THX/TTXVN

 

Trước hết, Mỹ và Israel có cách nhìn nhận khác nhau về "mối đe dọa Iran". Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người ủng hộ ông cho rằng, Tehran quyết tâm hủy diệt Israel bằng bất cứ giá nào. Ông Netanyahu tin rằng nếu Iran có vũ khí hạt nhân, nước này sẽ gia tăng sự hiếu chiến ở khu vực, và thậm chí có thể trực tiếp tấn công Israel. Dù một số người Mỹ đồng tình với quan điểm này, nhưng tỷ lệ người dân Mỹ coi Iran là kẻ thù lại đang giảm và sự ủng hộ cho các cuộc đàm phán ngày càng tăng. Việc Israel đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Iran cho thấy một sự khác biệt sâu sắc trong cách mà Israel và Mỹ tư duy về chiến lược an ninh quốc gia.


Mỹ nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Chiến lược của Mỹ dựa theo hình thức "phân cấp", theo đó sẽ tập trung vào các vấn đề mà các hành động của Mỹ sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất. Vì thế, cách tiếp cận theo hướng hạ thấp mối đe dọa Iran và giảm thiểu chi phí chiến lược là hợp lý, cho phép Mỹ tập trung vào các khu vực khác, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi những lợi ích quốc gia hữu hình của Mỹ lớn hơn nhiều. Và từ đây, ông Netanyahu rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” là vẫn phải dựa vào Mỹ để thực hiện chiến lược đối với Iran, nhưng ngày càng khó thuyết phục Mỹ tập trung vào vấn đề Iran, hay chia sẻ những rủi ro và chi phí chiến lược.


Nhìn nhận ở một khía cạnh rộng hơn, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang tìm kiếm những cách thức để Mỹ có thể giảm bớt chi phí trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của mình, song vẫn đạt được nhiều lợi ích an ninh hơn. Điều này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng những quan ngại về tính bất đối xứng của mối quan hệ Mỹ - Israel. Các chi phí tài chính mà Mỹ phải bỏ ra không chỉ bao gồm nguồn hỗ trợ trực tiếp cho Israel, mà còn là nguồn viện trợ cho Ai Cập, Jordan, Liban và Palestine.


Ít nhất thì kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, liên minh của Mỹ với Israel đã dựa trên nghĩa vụ đạo đức chứ không phải là sự toan tính lạnh lùng về lợi ích và chi phí chiến lược. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tiềm tàng và buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, người dân Mỹ cũng như giới lãnh đạo nước này đang cân nhắc về những được mất của các chính sách an ninh. Thúc đẩy các giá trị Mỹ không còn được coi là lý do đúng đắn trong việc sử dụng các nguồn lực chiến lược. Và điều này cũng là thế “tiến thoái lưỡng nan” của ông Netanyahu.


Bấy lâu, nhà lãnh đạo Israel này vẫn dựa vào các biện pháp từng mang lại hiệu quả trước đây mỗi khi xuất hiện sự bất đồng trong quan điểm của Mỹ và Israel, đó là kêu gọi trực tiếp những người ủng hộ ông tại Mỹ, cả trong Quốc hội lẫn dân chúng. Biện pháp này có thể có hiệu quả với Israel vào thời điểm này, nhưng cũng sẽ chẳng thể kéo dài được mãi.


Dù các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này có kết thúc thế nào thì đây cũng mới chỉ là sự khởi đầu của bước chuyển lớn trong mối quan hệ liên minh Mỹ - Israel, bởi người Mỹ đang xem xét xem liệu các lợi ích có được từ việc duy trì quan hệ đối tác có phù hợp với chi phí mà họ bỏ ra hay không. Mối quan hệ giữa hai bên đủ độ sâu sắc để vượt qua sự toan tính lại này, nhưng quan hệ đối tác sẽ phải trở nên công bằng hơn, với những chi phí chiến lược mà Mỹ gánh chịu sẽ phải ngang hàng với những lợi ích mà nước này có được.


Lê Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN