Báo cáo của cơ quan lương thực Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 6/6 cho thấy trong thập kỷ tới, sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, phần lớn do việc hạn chế trong mở rộng đất canh tác, chi phí sản xuất tăng và sức ép môi trường.
Giá lương thực vẫn cao do diện tích canh tác hạn chế. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Báo cáo nhan đề “Triển vọng nông nghiệp 2013 - 2022” do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố cho thấy các thị trường nông nghiệp đang tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự phục hồi chậm chạp của kinh tế toàn cầu, nhất là các nền kinh tế phát triển.
Báo cáo năm nay có một chuyên mục đặc biệt về tương lai nông nghiệp của Trung Quốc, trong đó ghi nhận sản lượng nông nghiệp nước này đã tăng 4,5 lần so với năm 1980. Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Tổng giám đốc FAO Graziano da Silva nhận định: “Giá lương thực cao là động lực cho việc tăng sản lượng và chúng ta cần phải làm tất cả để đảm bảo rằng người nông dân nghèo phải được hưởng lợi từ việc này”.
Theo báo cáo này, sản xuất nông nghiệp toàn cầu trong thập kỷ tới được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 1,5% hàng năm so với 2,1% của thập kỷ trước đó. Tổng thư ký OECD, Gurria cho biết bức tranh tương đối sáng sủa này là dựa trên dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi. Tiêu thụ lương thực được dự báo cũng sẽ tăng, đặc biệt ở khu vực Đông Âu, Trung Á và Mỹ Latinh do dân số tăng. Giá lương thực trung bình dự báo cũng sẽ cao hơn trong thập kỷ tới.
Quang Tuyến (P/v TTXVN tại New York)