Giá đắt của tăng trưởng nhanh

Khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, khoảng 200 lao động nông thôn tỉnh Quảng Tây đã lên thành phố, gia nhập đội ngũ công nhân giá rẻ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và những toà nhà chọc trời. Hiện 1/4 số lao động này đã qua đời và 100 người đang đợi “lưỡi hái của tử thần”. Tất cả đều mắc bệnh phổi do đã hít quá nhiều bụi công nghiệp.

Ông Xu Zhihui với tấm phim X - quang chụp căn bệnh ung thư phổi của mình.

 

Trong căn nhà của mình ở vùng nông thôn, ông Xu Zuoqing đang phải vật lộn với chứng ung thư phổi. Mỗi lần thấy chồng nhăn nhó và thở dốc, người vợ lại vội vã dìu ông ngồi lên trước ghế đẩu cho đỡ mệt. Với giọng nói yếu ớt ngắt quãng, ông Xu cho biết: "Phổi của tôi như bị đá đè lên. Lồng ngực luôn nặng trĩu. Tôi chỉ ao ước được ra đi một cách thanh thản".


Trung Quốc đã có hơn ba thập kỷ tăng trưởng ấn tượng và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tăng trưởng nhanh ở đất nước này đồng nghĩa với việc đội ngũ nhân công giá rẻ từ các vùng nông thôn ồ ạt ra thành phố tìm việc làm hiện lên tới khoảng 230 triệu người.


Tuy nhiên, do an toàn lao động kém nên hàng triệu người lao động ở Trung Quốc đang gặp vấn đề về sức khỏe do hít quá nhiều bụi, điển hình là mắc ung thư phổi giống trường hợp của ông Xu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh về phổi, song chủ yếu vẫn là do hít phải nhiều bụi tại công trường xây dựng và mỏ than.


Theo các số liệu thống kê chính thức, tại Trung Quốc có 676.541 người mắc các bệnh về phổi do hít nhiều bụi và 1/5 số bệnh nhân đã qua đời. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số này trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều, vào khoảng 6 triệu người. Nhiều công nhân làm việc trong các hầm mỏ, bãi đá, nhà máy và công trường liên tục đưa vào trong phổi đủ các loại bụi mà không ý thức hết được mức độ nguy hiểm. Họ chỉ nhận ra cái chết liền kề khi thấy cơ thể mỏi mệt đi kèm với triệu chứng khó thở.

 

Gánh nặng trong gia đình


Thời điểm bệnh tật xuất hiện cũng là lúc những lao động chính trở thành gánh nặng cho gia đình, với những tấm hóa đơn tiền thuốc đắt đỏ. Trong khi đó, chính phủ chỉ có thể bảo đảm được các khoản bảo hiểm cơ bản, còn các công ty tuyển dụng hiếm khi có những khoản đền bù cho người lao động. Thậm chí ngay cả một số người nhận được tiền đền bù, thì khoản tiền mà họ nhận được cũng chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuốc thang hàng ngày cũng như vài lần nhập viện điều trị mỗi năm.


Cao Jieshi là một trường hợp như vậy. Người đàn ông 46 tuổi, gầy như cây sậy này đã phải mượn 40.000 NDT từ người thân và bạn bè để trang trải các hóa đơn khám chữa bệnh hàng tháng. Bệnh phổi khiến ông Cao thường xuyên phải ngửa mặt lên trời để hít thở. “Tôi không thể tự tắm cho mình mà phải nhờ đến vợ. E là tôi sẽ không thể sống được quá 3, 4 năm nữa”, người đàn ông khắc khổ này tâm sự.


Cùng chung số phận với ông Cao, bệnh ung thư phổi của ông Xu Zhihui (53 tuổi) đang ở giai đoạn cuối và người bệnh đã mất hy vọng vào cuộc sống. Ông Xu đã sụt mất 15 kg kể từ khi mắc bệnh và chứng ho khan làm ông kiệt sức. Ông Xu cho biết bằng giọng nói khản đặc: “Trước kia tôi có thể dễ dàng kiếm được 20.000 đến 30.000 DNT mỗi năm. Giờ thì tôi cũng dễ dàng tiêu sạch khoản tiền đó mỗi năm”.


Ông Geoff Crothall, thuộc tổ chức bảo vệ người lao động Trung Quốc, có trụ sở tại đặc khu hành chính Hồng Công, cho biết: “Có không ít trường hợp nhiều thành viên là lao động chính trong một đại gia đình đều lâm trọng bệnh. Người bệnh chỉ có thể làm chậm tiến trình phát triển của bệnh thông qua một số loại thuốc và phác đồ điều trị, song về cơ bản, họ đang chờ một bản án tử hình...”.


Lê Hải (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN