“Ghi điểm” khi đi xin việc

Em đã ra trường được gần một năm. Trong khoảng thời gian đó, em đã vác vài bộ hồ sơ đi xin việc nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có một công việc tử tế nào. Hiện giờ em đang bán hàng quần áo thuê cho một cửa hàng thời trang, lương mỗi tháng được 2,3 triệu đồng. Mục tiêu của em là xin vào làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước. Trước mắt, em xác định sẽ vẫn phải làm những công việc chẳng mấy liên quan đến chuyên môn được đào tạo trong trường đại học (em học kế toán) để nuôi dưỡng ước mơ. Tuy nhiên, sau vài lần đi xin việc thất bại, em cảm thấy rất nản.

Trong khi đó nhiều bạn cùng lớp em đã kiếm được một việc làm với những khoản lương thưởng khá hậu hĩnh. Có nhiều bạn trước đây học hành chỉ “tầm tầm” thôi nhưng khi ra trường lại rất tự tin, năng động.

Có bí quyết gì giúp mình tự tin khi đi xin việc không? Em rất cần một lời tư vấn.

Nguyễn Linh Chi (Hà Nội).

Trong thời buổi người nhiều, việc ít mà muốn tìm được một công việc như ý buộc các ứng viên phải tự tin và phải gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Muốn thế bạn phải chăm chút ngay trong khâu chuẩn bị hồ sơ xin việc. Hồ sơ xin việc phải viết rõ ràng, sạch đẹp. Thay vì điền vào các văn bản, biểu bảng đã có mẫu sẵn, bạn nên viết tay (nếu chữ đẹp cũng là một lợi thế), trình bày rõ khả năng của mình, những đóng góp, cống hiến cho công ty nếu bạn được tuyển dụng. Bạn phải thể hiện làm sao vừa khiêm tốn nhưng cũng đủ thông tin cho thấy nếu nhà tuyển dụng không tiếp nhận bạn thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã để vuột mất một nhân viên có năng lực.

Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, trang phục là yếu tố khá quan trọng, bởi nhiều khi nó cũng tham gia quyết định đến kết quả của cuộc phỏng vấn. Bạn không nên chọn những bộ trang phục rườm rà, sặc sỡ, nhưng cũng không nên ăn mặc quá xuề xòa. Quần âu, áo sơ mi thường được trưng dụng trong những trường hợp này. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm thông tin về cơ quan, doanh nghiệp đó, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc tìm hiểu kỹ về sản phẩm của họ cũng không phải là thừa.

Khi trả lời phỏng vấn, bạn cần trả lời rõ ràng, rành mạch, cái gì biết thì nên nói rõ, nói sâu; cái gì không biết cũng không nên giấu. Bạn cũng có thể phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng về môi trường làm việc, chế độ lương thưởng bạn sẽ được hưởng nếu được tuyển dụng.

Kết thúc buổi phỏng vấn, ngoài lời chào tới người phỏng vấn, bạn cũng nên cho họ biết thêm, bạn rất mong chờ một cuộc gọi điện thoại hay một email từ họ. Điều này khiến nhà tuyển dụng biết rằng, bạn quan tâm thực sự tới công việc này, chứ không phải chỉ tham gia phỏng vấn để lấy kinh nghiệm.

Chúc bạn sớm tìm được một công việc như ý!

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN