Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối cùng đã có thay đổi lớn về chính sách tiền tệ khi tại cuộc họp ngày 22/1 đã quyết định thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá hàng nghìn tỷ euro trong bối cảnh kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phát triển trì trệ. ECB sẽ khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) nói trên từ tháng 3/2015 và kết thúc vào cuối tháng 9/2016, cho dù có sự phản đối của Ngân hàng trung ương Đức vì cho đó là một kế hoạch tốn kém. Berlin lo ngại rằng việc thực hiện chương trình này sẽ khiến các nước chi tiêu thiếu kiểm soát chểnh mảng trong việc cải cách kinh tế.
Chủ tịch ECB Mario Draghi nói, cùng với các chương trình đang được thực hiện là mua nợ của tư nhân và cấp hàng tỷ euro các khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng, chương trình QE sẽ bơm thêm 60 tỷ euro (68 tỷ USD) vào nền kinh tế Eurozone mỗi tháng. Ông khẳng định các biện pháp bất thường sẽ được thực hiện đến khi lạm phát tăng một cách ổn định. Đến cuối tháng 9/2016, hơn 1.000 tỷ euro sẽ được in ra theo chương trình này, lựa chọn chính sách lớn của ECB nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi mối nguy giảm phát.
ECB sẽ cùng với các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ của các nước tùy theo tiềm lực vốn, có nghĩa các nền kinh tế lớn như Đức sẽ mua nhiều nợ hơn so với các nước thành viên nhỏ hơn như Ailen. Các nhà kinh tế lưu ý rằng chỉ 20% số trái phiếu được mua là thuộc trách nhiệm của ECB.
Điều này có nghĩa phần lớn những thiệt hại tiềm tàng trong trường hợp một chính phủ ở Eurozone vỡ nợ sẽ do các ngân hàng trung ương gánh chịu. Ông Athanasios Orphanides, từng là nhà hoạch định chính sách của ECB cho rằng sẽ là phản tác dụng nếu chuyển những rủi ro sang cho các ngân hàng trung ương các nước và ECB không tạo được một chính sách tiền tệ thống nhất mà đang chuẩn bị cho sự rạn nứt của khối.
Bên cạnh đó, có những hoài nghi, không chỉ ở Đức, về hiệu quả của chương trình in tiền của ECB. ECB đang nỗ lực cho việc đạt mục tiêu lạm phát 2% ở Eurozone, nhưng lạm phát tháng trước giảm, gây lo ngại về vòng xoáy giảm phát theo kiểu Nhật Bản.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu của hầu hết các nước ở Eurozone đã ở mức rất thấp và đồng euro cũng đã giảm giá mạnh so với đồng USD. Chi phí vay mượn giảm và đồng tiền xuống giá có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vấn đề là những nhân tố trên có thể giảm thêm đến mức nào.
Chủ tịch Draghi nói ECB tạo tiền đề cho tăng trưởng, nhưng trách nhiệm sau đó thuộc về các chính phủ trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu, hành động của các chính phủ càng mạnh mẽ, hiệu quả của chính sách tiền tệ càng lớn. Quan điểm này của ông Draghi nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà nói, không kể ECB đã làm những gì, động lực tăng trưởng thực sự phải đến từ những điều kiện mà các chính trị gia tạo ra. Bà cho rằng châu Âu vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn dù cuộc khủng hoảng nợ đã phần nào được kiểm soát.
Trước quyết định của ECB về chương trình QE, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho rằng chương trình này sẽ giúp ECB tăng khả năng hoàn thành nhiệm vụ ổn định giá cả. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, bên cạnh một chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng thì còn cần có những hành động chính sách kịp thời và toàn diện, đặc biệt là những cải cách cơ cấu để gia tăng tiềm năng tăng trưởng.
Lê Minh (Tổng hợp)