Chính phủ Đức ngày 10/10 cho biết nước này và Pháp đã chính thức đề nghị sử dụng máy bay không người lái ở biên giới Ukraine-Nga.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Pavel Klimkin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết đề xuất trên đã được trình lên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tổ chức đang giám sát cuộc xung đột.
Trong khi đó cùng ngày 10/10, Hải quân Mỹ đã bố trí một căn cứ phòng thủ tên lửa mới ở miền Nam Romania, 1 trong 2 địa điểm đánh chặn đặt trên đất liền ở châu Âu trong lá chắn tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Nga kịch liệt phản đối.
Dự kiến, căn cứ ở Deveselu nói trên sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015 như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO.
Tư lệnh Hải quân Mỹ phụ trách khu vực châu Âu, châu Phi và Tây Nam Á, Thiếu tướng John Scorby cho biết: "Các mối đe dọa về tên lửa đạn đạo nhằm vào Mỹ và các đồng minh của chúng ta là có thực và đang lớn dần. Thật may là khả năng đối phó với những mối đe dọa này của NATO cũng có thực và đang ngày càng nâng cao".
Hệ thống này là điểm mấu chốt trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama từng bước triển khai một chiếc ô phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Dự kiến, căn cứ phòng thủ tên lửa thứ 2 cũng sẽ đi vào hoạt động ở Ba Lan vào năm 2018.
TN (Theo AFP/AP)