“Đục như nước vo gạo”

Hôm vừa rồi, anh bạn làm báo với tôi trong cuộc trà dư tửu hậu bỗng bật ra câu hỏi: “Đố bác đục như nước vo gạo là gì?”. Tôi nói luôn: “Là đục như nước vo gạo chứ còn gì nữa?”. “Không phải. Tôi ngẩn người. Anh bạn tôi cười vỗ vỗ vai tôi và nói: Ý em nói là câu thành ngữ này lâu lắm rồi không được các bác nhà văn sử dụng nữa. Và thực tế cũng chẳng còn “đục như nước vo gạo nữa”. Đúng không?”.

 


Tôi vẫn ngây người. Rồi anh ta liến thoắng: “Em nói luôn. Các cụ ngày xưa ví đục như nước vo gạo để chỉ những loại nước có màu sắc như nước vo gạo. Có thể những nước như thế là nước bẩn, nói theo ngôn ngữ bây giờ là “mất an toàn vệ sinh thực phẩm”. Thế nhưng gạo của các cụ ngày xưa vo nước nó còn đục, chứ gạo bây giờ bác xem, có đục đâu? Thậm chí nó còn trong veo là đằng khác. Thế nên, cánh trẻ mà nghe những câu ví von thế là chúng không hiểu đâu. Gạo trắng, nước trong như thế bảo nước đục làm sao được? Nhưng, tai hại là ở chỗ này này, bác nhà văn ạ.

 

Gạo người ta xát trắng quá, thậm chí còn xử lý thuốc hóa học chống mối mọt nữa thì lấy đâu ra mà đục khi vo? Công nghệ xay xát mới, công nghệ bảo quản mới đã làm cho gạo không còn như gạo ngày xưa nữa. Gạo ngày trước để lâu còn bị mốc, còn gọi là gạo kho, gạo kém phẩm chất. Bây giờ không có thứ gạo đó nữa. Cái gì cũng xử lý hóa học. Gạo để cả năm trời vẫn trắng trong. Đến mối mọt, mốc meo cũng chịu nữa là. Thế mới tài. Nhưng bên cạnh cái lợi ấy thì cũng có cái hại? Là bao nhiêu B1, chất bổ của hạt gạo đều cho ra cám hết. Là gạo đẹp, cơm đẹp đấy nhưng mà không dẻo, không thơm như ngày xưa nữa. Là không còn “đục như nước vo gạo” nữa. Là…”.

 


Tôi vội xua tay: “Hiểu rồi! Hiểu rồi! Quả đúng là bây giờ kiếm cân gạo lức để chữa bệnh cũng khó. Mấy bố bị bệnh tiểu đường cứ hỏi nhặng xị lên để tìm loại gạo đó. Để làm gì chú biết không? Rang lên nấu nước để uống. Bát nước gạo rang cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể đấy. Bây giờ kiếm một bát cháo hoa thật sự như xưa cũng hơi bị hiếm. Chú nhắc tới gạo kho, tự nhiên tôi lại nhớ tới cái thời bao cấp, nhớ đến thúng, mủng, giần sàng, nhớ cái nong, cái nia quá chú ạ!”.

 


Anh bạn nhà báo tươi tỉnh: “Bác hiểu ra vấn đề rồi đấy. Nhưng mà, kính thưa bác nhà văn quý mến của em! Bác hãy từ từ hoài niệm, từ từ văn thơ cho em nhờ. Bác nhớ thì cứ nhớ nhưng bác nhớ cho rằng đừng luyến tiếc quá khứ quá mà phải nhìn thẳng vào sự thật đây này”.

 


Tôi bỗng nổi cáu: “Sự thật gì? Sự thật là an toàn vệ sinh thực phẩm phải không? Thì tôi cũng xin các ông cũng đừng lạm dụng công nghệ, lạm dụng hóa chất quá để làm mất chất hạt gạo, thậm chí còn làm biến chất hạt gạo đi để chúng tôi được nhờ. Ai lại còn làm cả gạo giả làm bằng hợp chất nilon nữa thì không còn gì để nói. Đụng đến cái gì cũng hóa chất. Đụng đến cái gì cũng gây ung thư thì chúng tôi sống làm sao nổi?”.

 


“Ơ! Cái bác này! Sao bác lại cáu với em?”. Anh bạn tôi ngỡ ngàng. Tôi cũng bừng tỉnh. Ừ nhỉ! Rõ là đang bàn luận với nhau mà mình lại đi cáu với hắn thì thật chẳng ra làm sao cả. Tự nhiên lại “đục như nước vo gạo” thế này?



Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN