Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tạo bứt phá phát triển

Năm 2013 đánh dấu một mốc đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành công nghiệp - xây dựng của tỉnh Thanh Hóa khi đưa vào khai thác cũng như khởi công một loạt dự án công nghiệp quan trọng, trong đó phải kể đến việc khởi công Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Đây là công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước được triển khai tại tỉnh Thanh Hóa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương cũng như đường hướng đúng đắn trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn do liên doanh các nhà đầu tư cùng góp vốn thực hiện, trong đó Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Cô-oét (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. Dự án được khởi công vào cuối tháng 10/2013. Đến nay, sau hơn 2 tháng khởi công xây dựng, những khối bê tông, những viên gạch, những dầm thép đầu tiên đã được đặt xuống, không khí xây dựng khẩn trương ngay sau khi khởi công xây dựng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền các cấp, nhà thầu, các đơn vị thi công, hứa hẹn đưa dự án lọc hóa dầu lớn nhất cả nước sẽ hoàn thành đúng tiến độ công tác xây lắp vào quý IV năm 2016 và đi vào vận hành thương mại từ năm 2017, với công suất lọc dầu 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm), đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, là dự án dầu khí lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, khi hoàn thành sẽ cùng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo cung cấp 2/3 nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với địa phương Thanh Hóa, Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có thể khởi công nhà máy theo đúng tiến độ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã sâu sát chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành một khối lượng lớn công việc.

Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng diện tích thu hồi đất 1.607 ha, trong đó dành 358 ha xây dựng nhà máy giai đoạn I và 350 ha quy hoạch cho mở rộng giai đoạn II của dự án. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ, tạo điều kiện của 3.000 hộ dân của 4 xã Hải Tiến, Tĩnh Hải, Mai Lâm, Xuân Lâm có đất bị thu hồi.


Việc khởi công Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã khẳng định sự quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa nhằm tạo bứt phá phát triển công nghiệp của địa phương nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói chung. Sự kiện này còn tạo được tiếng vang lớn, tạo nên dấu ấn ấn tượng, tích cực của tỉnh Thanh Hóa trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng chảy đầu tư vào địa bàn. Con số ấn tượng trên 4,7 tỷ USD thỏa thuận hợp tác được ký kết tại "Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhân sự kiện khởi công Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn là minh chứng rõ nét nhất phản ánh sự tin tưởng, ghi nhận những nỗ lực trong việc xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. Trong tương lai không xa, những sản phẩm chủ yếu của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn như khí hóa lỏng LPG, xăng Ron 92, xăng Ron 95, nhiên liệu phản lực, diesel cao cấp, paraxylene... sẽ được ra lò, phục vụ nhu cầu xăng dầu, nhiên liệu của đất nước.


Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, sức lan tỏa của Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ rất lớn, tỉnh Thanh Hóa sẽ là điểm đến hấp dẫn đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới đầu tư vào địa phương. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và làn sóng đầu tư vào tỉnh, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận, xây dựng khu Lam Sơn - Sao Vàng thành khu công nghiệp công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ, với tổng diện tích 6.000 ha để định hướng các khu kinh tế, khu công nghiệp này sẽ trở thành đầu tàu kinh tế của địa phương.


Đức Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN