Theo bài phân tích của nhà nghiên cứu Belinda Chng đăng trên tờ Eurasia Review ngày 4/10, an ninh lương thực của khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với thách thức mới.
Thách thức không nhỏ
Khi khu vực Đông Nam Á trở nên giàu có hơn thì mô hình tiêu thụ cũng thay đổi, nhu cầu về protein động vật và lúa mì tăng lên. Đông Nam Á nhập khẩu ngô và đậu tương làm thức ăn cho động vật, nhập khẩu lúa mì từ Bắc và Nam Mỹ. Do đó, khu vực này dễ bị ảnh hưởng khi nguồn cung gián đoạn và xảy ra các cú sốc về giá.
Đông Nam Á đối mặt với thách thức mới về an ninh lương thực. |
Indonesia, Malaysia và Thái Lan - những nước nhập khẩu hàng đầu các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô, đậu tương trong khu vực Đông Nam Á - có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động có thể trầm trọng hơn nữa khi tốc độ tăng dân số nhanh và nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng nông sản chủ chốt nói trên trong ba thập kỷ tới.
Nhiều quốc gia đang tập trung vào chiến lược cấp quốc gia. Các nước có truyền thống nhập khẩu gạo như Indonesia và Philippines đang tìm cách tự đảm bảo đủ gạo thông qua các kế hoạch xây dựng chương trình dự trữ quốc gia tổng hợp bao gồm nhập khẩu, sản xuất và thu mua trong nước. Singapore đang dự trữ một nguồn cung cấp gạo đủ trong ba tháng. Tuy nhiên, các biện pháp cấp quốc gia như vậy có thể tốn kém và dễ bị tổn thương trước nhiều yếu tố
Trong bối cảnh đó, một kho dự trữ khu vực trở nên hấp dẫn, điều này lý giải phần nào việc thành lập Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR). Tuy nhiên, dự trữ lương thực tốn kém và phải tỉ mỉ trong quản lý.
Bản thân APTERR cũng có những hạn chế nhất định. Sự đóng góp của 10 nước ASEAN chỉ chiếm 11% lượng dự trữ hiện tại, trong khi Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm phần còn lại. Tổng lượng dự trữ ở mức 787.000 tấn - thấp hơn mức tiêu thụ trong hai ngày ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Điều này không có nghĩa là cơ chế dự trữ lương thực không hiệu quả. Các biện pháp như vậy có thể tăng cường khả năng phục hồi của một quốc gia trước những cú sốc về nguồn cung lương thực. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu, cần đánh giá những gì có thể làm được để cải thiện sáng kiến này.
Củng cố kho dự trữ khu vực
Trước tiên, ASEAN nên xem xét làm thế nào để có thể củng cố APTERR. Cụ thể, các nước cần đẩy mạnh cam kết của mình đối với APTERR bằng cách gia tăng cam kết đóng góp gạo của họ và cung cấp hỗ trợ tài chính cao hơn để tăng cường năng lực hoạt động. Ngoài ra, một loạt thỏa thuận song phương, đa phương và khu vực có liên quan đến quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nên được xem xét đến.
Việc chia sẻ trách nhiệm quản lý một số mặt hàng lương thực cụ thể có thể cho phép các nước duy trì lượng dự trữ thấp hơn đối với các mặt hàng khác, giúp họ có thể quản lý chi phí và tăng cường tiếp cận ở một phạm vi lớn hơn đối với các kho dự trữ lương thực. Chính phủ cũng có thể tiếp cận các mạng lưới hậu cần khu vực tư nhân để tạo điều kiện phân phối nhanh chóng và trơn tru các kho dự trữ lương thực.
Các chiến lược dự trữ lương thực có tác dụng trong thời gian thiếu hụt nguồn cung, quản lý hiệu quả và phân phối nhanh chóng là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi phải có sự kết nối đường hàng không, kết nối hải cảng, các cơ sở hạ tầng chuyên dụng, thời gian quay vòng ngắn cho các lô hàng, và thủ tục hải quan đơn giản.
Nhìn chung, vẫn còn nhiều cơ hội để các quốc gia theo đuổi các sáng kiến cấp khu vực nhằm cải thiện các cơ chế hiện có, và để khám phá những cái mới - cả hai đều nhằm giảm thiểu những rủi ro vốn có trong chiến lược cấp quốc gia, và để tăng cường sự ổn định của nguồn cung cấp thực phẩm trong khu vực. Điều cần thiết hiện nay là ý chí thúc đẩy chương trình nghị sự này hướng tới tương lai.
TTK