Lễ Kathina được đồng bào Khmer với nhiều nghi thức và lễ nghi thiêng liêng, trở thành một ngày hội lớn ở phum, sóc cho cả hai giới xuất gia (sư sãi) và tại gia (phật tử).
Theo truyền thống, trong năm, cư dân của bổn sóc tại các chùa Khmer sẽ tổ chức lễ Kathina một lần vào bất cứ ngày nào trong tháng, trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 theo âm lịch Khmer, ngay sau mùa An cư kiết hạ. Các chùa sẽ ấn định cụ thể một ngày tổ chức lễ Kathina chính thức rồi thông báo cho phật tử trong phum, sóc biết để tiến hành.
Đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng tổ chức lễ Kathina nhằm cầu cho phum, sóc được bình yên, mỗi gia đình hưởng hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để đồng bào Khmer thành kính dâng áo cà sa, các vật dụng đến chư tăng, sư sãi sau ba tháng An cư kiết hạ.
Trong lễ Kathina, có một quy định bắt buộc đó là việc dâng y chỉ được thực hiện tại các chùa có chư tăng nhập hạ và chỉ cúng dường đến đại chúng tất cả chư tăng chứ không dâng đến riêng một vị sư sãi nào. Điều này thể hiện ý nguyện hộ trì tam bảo, phụng sự giới pháp, câu thúc giới luật của người phật tử đối với tăng đoàn.
Lễ dâng bông, dâng y cà sa của đồng bào Khmer thường diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên diễn ra tại chùa, các sư sãi đọc kinh cầu nguyện để phum, sóc an lành, cầu phúc cho mọi người gặp nhiều may mắn. Ngày thứ hai, áo cà sa và các vật cúng dường khác được phật tử đặt vào mâm rồi đội lên đầu để tỏ lòng kính ngưỡng tam bảo, sau đó, đồng bào phật tử sẽ tổ chức một đám rước quanh phum, sóc và rước quanh chánh điện trước khi làm lễ dâng cà sa lên sư sãi.
Để tăng thêm phần long trọng và vui nhộn, tạo sức hút cho đám rước Kathina, nhiều gia đình còn kết hợp thêm các loại hình nghệ thuật truyền thống vào lễ rước như múa Rô băm, biểu diễn trống Sa dăm… Hiện nay, khi đời sống kinh tế của đồng bào Khmer đã được nâng lên rõ rệt, thì lễ Kathina hằng năm tại các chùa luôn được tổ chức lớn hơn, mang đầy đủ nét văn hóa truyền thống hơn. Trung bình hàng năm mỗi chùa có từ 3-5 đám rước.
Được tổ chức lễ Kathina là niềm tự hào và nguyện ước của mỗi gia đình người Khmer, thỏa niềm ước nguyện thành kính, sùng đạo của người Khmer với tôn giáo, bổn sóc, chùa chiền và với văn hóa truyền thống của dân tộc, luôn hướng con người đến với cội nguồn của cái thiện.
Với đồng bào Khmer, chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa bởi vì mọi hoạt động văn hóa tinh thần của cả cộng đồng người Khmer luôn gắn chặt với ngôi chùa.