Đôi vợ chồng trẻ Rơ Lan Diên biết cách làm giàu

Vợ chồng trẻ Rơ Lan Diên, người dân tộc J'rai, ở làng Chan thuộc xã Ia PNol (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), đã biết áp dụng cách làm ăn mới để thoát nghèo. Đến nay, vợ chồng Rơ Lan Diên đã có một cơ ngơi lên đến tiền tỷ, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đôi vợ chồng trẻ Rơ Lan Diên.

 

Năm 2005, nghe theo lời tuyên truyền vận động của cán bộ Công ty cao su 72 (Binh đoàn 15), đóng chân trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, Rơ Lan Diên đã vào làm công nhân trong đơn vị. Công việc ban đầu còn quá mới mẻ so với tập quán sản xuất truyền thống trước đây, nhiều lần anh đã bỏ việc để về làng làm nương rẫy cùng vợ con.

 

Tuy nhiên, được sự động viên và thuyết phục của công ty, anh đã trở lại và nhận quản lý 3 ha cao su trong thời kỳ khai thác mủ. Được đào tạo nghề chăm sóc và khai thác cao su, anh càng hăng say với công việc, bởi anh hiểu rằng đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vài năm đầu, năng suất vườn cây nhận khoán của anh còn ở mức thấp so với những vườn cây khác của người Kinh trong vùng và chỉ hưởng mức lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng.


Tuy vậy, anh không nản chí mà luôn cố gắng tìm tòi học hỏi và tự rèn luyện tay nghề cho mình. Không phụ công sức của anh, năng suất vườn cây ngày càng tăng lên đáng kể, mức thu nhập theo đó cũng nhiều lên. Từ năm 2008 đến năm 2011, Rơ Lan Diên luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và trong 2 năm liền (2009 - 2010) đạt "Bàn tay vàng" trong hội thao của toàn Binh đoàn 15.

 

Ngoài việc hưởng lương cơ bản hàng tháng, cuối năm anh đều được thưởng ở mức cao, năm 2010 được thưởng 32 triệu đồng, năm 2011 là gần 40 triệu đồng. Với uy tín trong quá trình làm công nhân Công ty cao su 72, anh được bầu vào chức danh Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Đội sản xuất 711 và đã phát huy hiệu quả trong công tác vận động thanh niên học tập, làm theo gương Bác trong việc chăm sóc và quản lý tốt vườn cây cao su.


Từ khi vào làm công nhân cao su, cái đầu của Rơ Lan Diên ngày càng sáng ra và nhận biết được nhiều điều trong cuộc sống, biết cần phải làm gì có lợi cho gia đình và xã hội. Nhà của anh có đến hơn 4 ha đất canh tác, trước đây chỉ đưa một phần diện tích vào làm nương rẫy để trồng cây lúa, cây ngô, phần còn lại là để hoang hóa. Nay anh đã đưa hết diện tích vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có 8 sào trồng sắn cao sản, 1,8 ha cao su tiểu điền, 250 cây cà phê và 100 trụ hồ tiêu.

 

Các loại cây sắn, cà phê và hồ tiêu hiện đã cho thu hoạch, hàng năm có mức thu hơn 100 triệu đồng. Riêng cây cao su tiểu điền đang phát triển tốt, chỉ trong một vài năm tới sẽ đến tuổi cho khai thác mủ, dự kiến cho mức thu nhập thêm gần 200 triệu đồng nữa. Rơ Lan Diên tâm sự: "Bây giờ mình mới thấy hết giá trị của quỹ đất canh tác. Do trước đây chưa biết cách làm ăn nên để đất còn hoang phí, không chỉ riêng mình mà hầu hết bà con trong làng ai cũng vậy cả thôi. Nay quỹ đất canh tác của làng Chan gần như đều được chuyển đổi, nhiều hộ bước đầu đã đưa vào trồng cây cao su tiểu điền như mình rồi... Và mình sẽ cố gắng giúp đỡ bà con biết cách chăm sóc, lấy mủ khi vườn cây đến tuổi cho khai thác".


Có tiền dôi dư tích lũy, vợ chồng Rơ Lan Diên bàn tính đến chuyện làm nhà kiên cố, mua sắm các loại vật dụng sinh hoạt trong nhà và đầu tư cho con ăn học đến nơi đến chốn. Năm 2007, anh đã xây được ngôi nhà khang trang và thoáng mát, mua sắm đầy đủ xe máy, ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ... đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt gia đình. Rơ Lan Diên năm nay mới 27 tuổi và vợ là Siu H'Biên 22 tuổi, đã có 2 con. Vợ chồng anh quyết tâm không sinh thêm con thứ 3 để có thời gian và điều kiện làm ăn, cũng như chăm lo các con được chu đáo.


Bài và ảnh: Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN