Đổi thay trên mảnh đất Noong Nhai lịch sử

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 6km theo quốc lộ 279 về phía cửa khẩu Tây Trang, bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất lịch sử. Chính tại đây, 57 năm về trước, hàng trăm người dân vô tội của bản đã vĩnh viễn ra đi trong vụ thảm sát tang tóc của bom napan mà giặc Pháp điên cuồng cho máy bay dội xuống. Năm tháng qua đi, vết thương của chiến tranh ở Noong Nhai đã được hàn gắn và khỏa lấp. Cuộc sống mới đã hình thành trên mảnh đất Noong Nhai.

Từ ký ức đau thương

Năm 1952, chiến dịch Tây Bắc kết thúc, Lai Châu (cũ) được giải phóng, nhân dân các dân tộc xứ Mường Then (Mường Trời) được sống trong bình yên chưa lâu, cuối năm 1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, dồn dân vào 4 trại tập trung. Noong Nhai là một trong số 4 trại đó, tập trung dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm giám sát, cai quản. Các trại tập trung này quân Pháp lập nên nhằm âm mưu cách ly dân chúng với bộ đội; làm bia đỡ đạn nếu bộ đội ta đánh Điện Biên Phủ. Đồng thời, các nạn nhân trong trại tập trung này còn là lực lượng khổ sai làm việc không công như dỡ nhà, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt cho chúng.

Bia hận thù Noong Nhai.


Trên một vùng diện tích chưa đầy 10 ha, nhưng trại tập trung Noong Nhai có tới hơn 3.000 dân sống trong các lán trại bằng tre, nứa, rơm rạ rất chật hẹp và mất vệ sinh.

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 2, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây, đứng trên bờ vực bị tiêu diệt. Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954 quân Pháp đã cho 4 máy bay Đacôta xuất phát từ hướng nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai và điên cuồng dội bom sát thương, bom napan vào đám đông dân chúng khi họ đang có mặt để chôn cất một người thân trong bản. Trong vụ thảm sát này, 444 người con của bản chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em ở trại tập trung Noong Nhai đã chết.

Ngày nay, khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của giặc Pháp năm nào đã được xây dựng bên quốc lộ 279 - con đường xuyên Á sang nước bạn Lào, thuộc địa phận xã Thanh Xương. Nổi bật ở khu tưởng niệm là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay, thể hiện nỗi đau mất con của những người mẹ và qua đó, gửi thông điệp, nhắc nhở đến thế hệ con cháu hôm nay mãi nhớ về lịch sử

Đến nắng mới

Vượt ra khỏi “nội đô” thành phố Điện Biên Phủ chừng hơn 1km, phóng tầm mắt qua mênh mông những sóng lúa rập rờn, bản Noong Nhai hiện lên trong mắt chúng tôi với những ngôi nhà sàn “ngói hoá” điểm vào dãy núi uy nghiêm, ẩn hiện dưới những tán cây xanh một màu bình yên, thôn dã. Ít ai có thể ngờ được rằng, trên mảnh đất này trước kia là hầm hào chiến địa, là khu quân sự, là đường băng của sân bay phân khu Hồng Cúm mà quân Pháp đã dựng nên... Hơn nửa thập kỷ qua đi, khoảng thời gian ấy đã đủ để người dân ở mảnh đất nghèo Noong Nhai hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển nền kinh tế, vươn lên làm giàu. Những chương trình, chính sách chăm lo đời sống nhân dân mà Đảng, Nhà nước đầu tư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả và thật sự tạo bước đột phá cho Noong Nhai đổi thay.

Ký ức về đói nghèo ngày ấy được các cụ cao tuổi trong bản kể lại: Sau chiến tranh, kinh tế Noong Nhai có gặp rất nhiều khó khăn. Bữa cơm của bà con nhân dân trong bản chỉ là măng đắng, rau rừng, nhà nào khá giả thì có thêm ngô độn. Chỗ ở cũng chỉ là tạm bợ không đủ che mưa, nắng bởi nhà cửa đã bị cháy nát, ruộng vườn không có. Quyết bám trụ lại trên mảnh đất hương hỏa của cha ông để lại mà người dân Noong Nhai không nỡ bỏ làng ra đi. Đời sống sau nhiều năm gắng gượng, chắt chiu đã khấm khá hơn bận nào thì cuối những năm của thập niên 80, người dân Noong Nhai lại chấp nhận rời xa mảnh đất thân yêu vì mục đích cao cả: Di dân để lấy đất cho nông trường sản xuất nông nghiệp theo chính sách phát triển kinh tế mới của Đảng, Nhà nước. Thời điểm này Noong Nhai đã chia tách thành 2 bản: Noong Nhai 1 và 2. Noong Nhai 1 có tới 70% số hộ dân trong bản là con cháu của những hộ dân gốc dân tộc Thái năm nào.

Từ quyết tâm đi lên của người dân, cộng với cơ sở nền tảng là các chính sách hỗ trợ mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ, sau bao năm “nung nấu” ý chí vượt nghèo, người dân xã Thanh Xương nói chung, bản Noong Nhai nói riêng đã có những bước phát triển mới trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Cái đói, cái nghèo trong những mùa giáp hạt đã được đẩy lùi. Noong Nhai nay đã đổi thay, bộ mặt nông thôn mới đã khởi sắc trên mọi ngả đường trong bản. Sản lượng lương thực bình quân của bản đạt gần 600kg/người/năm; hiện cả bản Noong Nhai 1 và 2 đã có gần 50 học sinh - sinh viên theo học ở các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc. Từ phong trào làm ăn kinh tế giỏi trong bản đã tạo động lực để các hộ thi nhau phát triển kinh tế, nhiều hộ thoát nghèo nhờ biết vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế giỏi đã làm giàu ngay tại mảnh đất lịch sử này.

Gần 10 năm qua, Noong Nhai luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa tiêu biểu. Nơi đây hiện đang lưu giữ những giá trị văn hóa, phong tục bản địa rất độc đáo của gần 80 hộ dân tộc Thái và trở thành địa chỉ thu hút du khách trong, ngoài nước đến du lịch, thưởng lãm và tìm hiểu mỗi khi đặt chân lên đất Điện Biên.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng - Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN