Độc đáo phiên chợ nơi ngã ba biên giới

Huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) có một phiên chợ đặc biệt mà không nơi nào trong cả nước có được. Đó là phiên chợ ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Theo đó, có 3 ngày trong tháng, những người dân của 3 nước lại tụ hội về đây mua sắm, trao đổi hàng hóa và khám phá những nét văn hóa của dân tộc nước bạn.

Một phiên chợ vùng cao. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Chợ được thành lập vào tháng 4/2010 ngay tại cột mốc số 3, nơi xã Sín Thầu của huyện Mường Nhé giáp với huyện Giang Thành (Trung Quốc) và cột mốc số 2 giáp với tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào). Hiện nay mỗi tháng vào 3 ngày là mùng 3, 13 và 23, phiên chợ nơi vùng cao này lại tổ chức với nhiều thành phần như: Thương nhân, giáo viên, cán bộ công chức, quân nhân, người dân... tham dự. Trên bãi đất bằng phẳng chừng 5.000 m2, các quán bán hàng được làm khá đơn sơ và chia ra từng ô nhỏ để bày bán hàng hóa. Các mặt hàng ở chợ khá đa dạng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của mọi người vùng biên giới. Quán bán hàng của người Việt Nam chủ yếu là quần áo, dao, cuốc... Còn quán bán hàng của người Trung Quốc có nhiều mặt hàng và giá cả cũng vừa phải với túi tiền của người dân. Dù từ chợ đến nơi có dân cư sinh sống là khá xa, song những người từ nước bạn Lào cũng đến tham dự. Những phiên chợ này thường họp từ sáng sớm tinh sương đến tận 5 giờ chiều mới tan.

Các loại thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày như: Cá, thịt, rau củ có vẻ là mặt hàng được bày bán nhiều nhất. Ngoài ra, chợ còn bày bán các mặt hàng tạp hóa phục vụ người dân như quần áo, chăn màn, xà phòng, đồ chơi trẻ em... Anh Sùng A Lử xã Sín Thầu cho biết: Nếu người đi chợ là nam giới có thể mua vài chai bia, chai rượu, thuốc lá của Trung Quốc. Nếu là chị em thì mua được nhiều thứ lắm, nào là quần áo, mỹ phẩm, cho đến hoa quả, bánh kẹo... Giữa chợ, người bán hàng Trung Quốc còn bày bán thuốc nam, trồng răng giả và các con thú nhỏ như chim, sóc, thỏ... Nếu du khách đi đường xa mỏi mệt có thể nghỉ ngơi, ăn cơm trong các quán bình dân với món chân gà nướng, sườn rán, xúc xích rán rất ngon.

Đến với phiên chợ này không khí mua bán rất tấp nập nhưng không quá ồn ào. Đông nhất là những quầy hàng bán gà vịt và hoa quả. Thú vị nhất là nếu người mua và người bán không hiểu tiếng nhau, có thể ra dấu bằng ký hiệu hoặc dùng máy tính cầm tay để ghi số tiền. Người dân Hà Nhì ở huyện Mường Nhé còn có thể trao đổi bằng một thứ ngôn ngữ mà cả người Trung Quốc cũng hiểu được.

Đến phiên chợ nơi ngã ba biên giới, người tham dự còn “no mắt” với các loại trang phục nhiều màu sắc, “no tai” với nhiều loại ngôn ngữ, âm thanh xen lẫn. Màu sắc sặc sỡ của hoa văn trên bộ quần áo của nhiều sắc tộc. Âm thanh của tiếng nói, tiếng cười của những người đi chợ. Ngôn ngữ để trao đổi hàng hóa và thể hiện tình cảm cũng rất đa dạng. Từ trao nhau ánh mắt, nụ cười đến sử dụng các thứ tiếng Quan hỏa, tiếng Hà Nhì, tiếng Thái, tiếng Kinh... Tất cả như hòa lẫn với nhau làm cho bức tranh tổng thể của phiên chợ vùng cao thêm lung linh, sống động. Mỗi tháng có 3 ngày tổ chức phiên chợ và khi tan chợ xin mượn câu nói của người Hà Nhì: “À ma pi pô” (Nghĩa là anh chị đi về mạnh khỏe, lần sau lại đến nhé). Hẹn gặp lại trong ngày phiên chợ tiếp theo nơi “một con gà gáy, ba nước cùng nghe” này.

Đinh Công Định

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN