Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại Bình Định diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp và gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phong trào đã tạo ra động lực mạnh mẽ, xây dựng những cá nhân, tập thể, gia đình, làng, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đến tháng 10/2019 toàn tỉnh Bình Định có 367.066/394.927 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 92,94%); 893/1.123 khu dân cư được công nhận danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa (đạt tỉ lệ 79,5%); 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1.225/1561 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…
Bình Định hiện có 10.813 hộ dân tộc thiểu số, với khoảng 40.430 người, chiếm 2,7% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc Bana chiếm 55,9%, H’rê - 26,6%, Chăm - 16,6% và các dân tộc thiểu số khác - 0,9%. Tỉnh có 33 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng làng thôn tại 6 huyện; trong đó có 3 huyện miền núi đặc biệt khó khăn thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; có 31 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135.
Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, năm 2018 UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ 35,6 tỉ đồng đầu tư 56 công trình hạ tầng, các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đạt 100% kế hoạch; hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế giảm nghèo bền vững cho 685 hộ dân; hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giảm nghèo. Trong 9 tháng qua Bình Định đã phân bổ hơn 41,5 tỉ đồng để xây dựng 78 công trình giao thông, thủy lợi, công trình y tế, công trình giáo dục, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; duy tu bảo dưỡng 49 công trình.
Đồng thời, tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phân bón, máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp… với tổng kinh phí hơn 9,1 tỷ đồng. Nhờ đó, hạ tầng ở các xã dần hoàn thiện, diện mạo các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Việc cấp báo, tạp chí miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết, cung cấp kiến thức về cách làm giàu; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bình Định trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện Chương trình 135. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục nâng cao chất lượng gia đình, thôn, làng, khu phố văn hóa, nâng cao hơn nữa hiệu quả các thiết chế văn hóa.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cần có cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, triển khai những cuộc vận động mang tính đặc thù; tăng cường nguồn vốn cho vay để sản xuất giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững. Tỉnh cần tăng cường kiểm tra việc cấp phát các ấn phẩm báo, tạp chí đến cơ sở; sớm khắc phục tình trạng giao báo, tạp chí chậm, không kịp thời cho đối tượng được thụ hưởng.