Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp hàng nghìn HSSV nghèo huyện Tiên Du (Bắc Ninh) có tiền trang trải chi phí học tập. Đến nay, có nhiều em sau khi ra trường đã tìm được việc làm ổn định, có thu nhập và đang cùng gia đình trả nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Niềm vui đến từng gia đình
Chị Trần Thị Hào, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc chi hội phụ nữ thôn Phật Tích, xã Phật Tích khoe với chúng tôi: Tổ có 56 thành viên, trong đó có 10 hộ gia đình vay vốn chương trình HSSV với dư nợ trên 300 triệu đồng. Các hộ vay vốn chương trình HSSV đều sử dụng vốn đúng mục đích chu cấp cho các con trang trải chi phí học tập và đều có ý thức hoàn trả vốn vay.
Chị Nguyễn Thị Mai đang giới thiệu những thành tích học tập của con mình. |
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh Nguyễn Văn Tạo, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Phật Tích, xã Phật Tích, là hộ nghèo, nhà có 5 người con, trong đó 2 con đang theo học đại học, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng, chị Mai đau ốm thường xuyên, cuộc sống gia đình rất bấp bênh. “Năm 2009 khi cô con gái đầu là Nguyễn Mai Nhung đậu trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, cả gia đình và dòng họ rất vui mừng, ai cũng động viên gia đình muốn thoát nghèo phải cố gắng đầu tư cho con đi học, sau này có nghề mới có hi vọng thay đổi cuộc sống”, chị Mai cho biết.
Cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ, đồng vốn ưu đãi đã đồng hành cùng với Nhung suốt mấy năm học. Niềm vui như được nhân lên khi người con thứ hai là Nguyễn Thị Thúy cũng tiếp bước chị bước vào giảng đường Đại học Y Hà Nội năm 2012. Hiện nay, cô con gái đầu là Nguyễn Mai Nhung đã ra trường và có việc làm ổn định tại trường THCS Phật Tích, mỗi tháng đều dành dụm tiền chung sức cùng bố mẹ hoàn trả vốn vay cho ngân hàng và phụ giúp nuôi các em.
Cùng chung hoàn cảnh, hai người con của chị Nguyễn Thị Lỵ ở thôn Trung, xã Cảnh Hưng cũng được vay 35 triệu đồng vốn ưu đãi chương trình tín dụng HSSV. Các con chị không phụ lòng bố mẹ, quyết tâm cố gắng học thành đạt. Sau khi tốt nghiệp đại học người chị cả Nguyễn Thị Lụa được Công ty TNHH Samsung Electronics tỉnh Bắc Ninh tuyển dụng, em trai là Nguyễn Văn Thao làm tại Công ty xây dựng Vinaconex Hà Nội, họ đều có chung một suy nghĩ là phải tích cóp để gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ ngân hàng. Chị Lỵ cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn khi phải nuôi cả hai con đi học đại học cùng một lúc. May nhờ sự hỗ trợ của NHCSXH cho vay vốn để nuôi con ăn học”.
Trên địa bàn của huyện Tiên Du cũng xuất hiện không ít những gia đình đã định hướng, nuôi dạy con ăn học thành tài, nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Tiêu biểu nhất trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình HSSV là gia đình ông Nguyễn Đình Tảo ở thôn Trung, xã Cảnh Hưng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế rất khó khăn, nguồn thu của gia đình tất cả chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Gia đình có 4 người con, để nuôi cả 4 con cùng lúc đi học đại học ông đã tần tảo sớm hôm không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong sao có đủ tiền đóng học phí và trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt cho các con, để các con yên tâm tu trí học tập, tích lũy kiến thức.
Những khó khăn đó đã được giải tỏa khi gia đình ông được bình xét và kết nạp là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn, được NHCSXH cho vay vốn nuôi 4 con học đại học gồm: Nguyễn Thị Trinh học trường Đại học sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thị Trang học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Đình Thiêm học trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Năm là em song sinh với Thiêm học tại Học viện Ngân hàng. Từ năm 2007 đến nay gia đình đã được NHCSXH huyện Tiên Du cho vay vốn chương trình HSSV với số tiền là 97 triệu đồng. Đến nay, 4 người con của ông Tảo đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Sau khi đi làm, có thu nhập, các con đều có ý thức trích một phần thu nhập của mình cùng với thu nhập khác của gia đình hoàn trả trước hạn số tiền gốc 20 triệu đồng trong tổng số tiền được vay khi các con theo học.
Ông Tảo tâm sự: “Nếu không có NHCSXH cho vay nguồn vốn này thì gia đình tôi không biết xoay xở thế nào, giờ các cháu đã ra trường và có việc làm ổn định, tôi cũng đã trả được một phần tiền vay cho ngân hàng, được cán bộ ngân hàng tính toán và giảm một phần lãi cho nhà tôi, tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Giờ đây trong xã ai cũng lấy gương gia đình tôi để làm gương cho các cháu trong vùng”.
Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban giảm nghèo xã Phật Tích, Trần Hữu Xim đồng tình cho biết: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà HSSV yên tâm học hành, sau khi ra trường nhiều em đã có việc làm ổn định và cùng với gia đình hoàn trả vốn vay cho ngân hàng”.
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc NHCSXH huyện Tiên Du cho biết: Khi có nguồn vốn phân bổ, huyện đã tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên giải ngân chương trình cho vay HSSV, không để học sinh nào phải bỏ học do không nhận được tiền vay. Chương trình tín dụng HSSV đã tạo cơ hội bình đẳng về học tập trong xã hội, giúp cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập.
Đến nay, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 3.248 HSSV được vay vốn với tổng dư nợ lên đến trên 71 tỷ đồng. Từ sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn bất thường về tài chính có nguy cơ phải bỏ học đã tiếp tục được học tập. Doanh số cho vay trong năm 2013 đến nay đạt 7.493 triệu đồng.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả đồng vốn, NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp tốt với các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn, triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng HSSV, hàng tháng thông báo, đôn đốc hộ vay trả nợ; duy trì lịch giao dịch cố định; đồng thời nâng cao chất lượng giao dịch; giao ban tại điểm giao dịch; phục vụ thuận lợi, nhanh chóng, chính xác cho các đối tượng được thụ hưởng. NHCSXH huyện cũng tăng cường củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác kiểm tra; tại các xã, thị trấn thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở trong chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV, tạo kênh dẫn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của chương trình tín dụng đối với HSSV.
Bài và ảnh: Tuấn Ngọc