BHXH Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHYT, thưa ông?
Để thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền cũng sẽ được thay đổi, không chỉ sử dụng hình thức thông tin trên truyền hình, đài, báo, tờ rơi như trước mà sẽ phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền và vận động người dân tham gia BHYT, nhất là những nông dân hoặc người dân sống ở vùng sâu vùng xa. Trong quá trình tuyên truyền, sẽ tập trung vào việc phổ biến các chính sách để người dân hiểu được quyền lợi của mình khi tham gia BHYT, tránh tình trạng hiện nay vẫn có người dân hiểu nhầm rằng bị tai nạn giao thông không được thanh toán BHYT.
Hiện tại, BHXH Việt Nam đã được phép chủ động mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT. Theo đó, ngoài các đơn vị đang thực hiện chức năng làm đại lý thu BHYT tại các xã/phường, BHXH Việt Nam có thể huy động các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức khác, các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên, các trạm bưu điện... Như vậy, sẽ hình thành một mạng lưới đại lý thu rộng khắp, đảm bảo cho người dân có thể mua BHYT tại bất kỳ đại lý thu BHYT nào trên phạm vi cả nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tin học hóa trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động từ ngày 29/6 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể tiết kiệm chí phí giám định hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng do chống được lạm dụng, chống trùng lắp... từ cả người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để có thể huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung tay phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Bộ Y tế tập trung, tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục khám, chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ để nâng cao tính hấp dẫn đối với người bệnh BHYT. Đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể điều chỉnh giá dịch vụ y tế khu vực dịch vụ, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng có và không có BHYT, tạo động lực để người dân tích cực hơn nữa khi tham gia BHYT.
Còn đối với UBND các tỉnh, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là chỉ tiêu kinh tế xã hội của mỗi một địa phương từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh, đồng thời phải ưu tiên nguồn ngân sách của địa phương, huy động mọi nguồn kinh phí có thể để hỗ trợ cho người dân địa phương mình tham gia BHYT ngoài nguồn ngân sách Trung ương...
Tới đây, người dân có phải chờ đợi đến cuối tháng hoặc vào những ngày cố định trong tháng mới được mua thẻ BHYT không?
Thời gian qua, do chúng ta không có mạng lưới đại lý thu BHYT rộng khắp, hoạt động bán BHYT chỉ tập trung vào cán bộ kiêm nhiệm của UBND cấp xã/phường. Vậy nên, mới có chuyện có nơi đặt ra chỉ bán bảo hiểm y tế thứ 2, 4, 6, có nơi bán vào những ngày cuối tháng. Nhưng bây giờ, vấn đề đã được tháo gỡ khi Chính phủ đã cho phép BHXH chủ động mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu BHYT, người dân sẽ được đáp ứng nhu cầu tham gia BHYT bất cứ lúc nào, kể cả những trường hợp đang nằm điều trị tại bệnh viện nhưng thẻ hết hạn thì vẫn được gia hạn thẻ hoặc cho phép mua nối tiếp để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Vậy những vướng mắc mua BHYT theo hộ gia đình khi nào được tháo gỡ, thưa ông?
Ở Việt Nam có đặc thù là những thành viên trong hộ gia đình cùng hộ khẩu nhưng chưa chắc sống cùng địa phương hay cùng địa bàn. Do đó, khi Luật BHYT quy định là 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia BHYT đã nảy sinh một số vướng mắc.
Để tháo gỡ, cơ quan chức năng đã đề xuất với Chính phủ cho phép thực hiện đẩy mạnh đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình theo hướng: Cho phép các thành viên trong một hộ gia đình được tham gia BHYT tại các thời điểm khác nhau trong năm tài chính và được giảm trừ mức đóng BHYT từ thành viên thứ 2 trở đi theo quy định của Luật BHYT.
Xin cảm ơn ông!