Đi săn những kẻ săn trộm

Dưới chân dãy Himalaya hùng vĩ, một “cuộc chiến” đã bắt đầu. Binh lính với súng trường M16 tuần tra dọc các đồng cỏ, khu rừng trong khi máy bay giám sát không người lái bay lượn trên bầu trời. Mục tiêu của “cuộc chiến” nhằm cứu loài hổ Nepal khỏi mối đe dọa bị tuyệt chủng và “quân địch” là những kẻ săn trộm.


Nhức nhối săn bắn bất hợp pháp

Dọc con sông Karnali thuộc Vườn quốc gia Bardia, đàn cá sấu “thơ thẩn” dạo chơi trong khi lũ khỉ thi nhau chuyền cành và đàn chim bay xao xác trên trời. Và rồi dấu chân một con hổ trưởng thành lộ ra trên bờ sông. Đối với những kẻ săn trộm, đây là tín hiệu “trúng quả” bởi chỉ cần vài ngày rình rập tại địa điểm này là có thể tóm gọn được con mồi. Tất cả đều bắt nguồn từ thói quen quay trở lại chốn cũ để uống nước của loài hổ và thợ săn trộm nắm rõ điều này bởi họ đều là dân bản địa.


 

Hình ảnh hiếm có về một con hổ ở Vườn quốc gia Bardia, Nepal.

 

Lý do khiến người dân địa phương trở thành kẻ săn trộm là vì các nhóm tội phạm quốc tế đã trả một khoản tiền lớn để họ giết hổ và tê giác. Thu nhập bình quân của nhiều người Nepal chỉ là 150 rupee Nepal/ ngày (khoảng 32.000 đồng), trong khi đó, với mỗi tấm da hổ họ sẽ nhận được 7.500 USD (khoảng 158 triệu đồng) và mỗi cân xương hổ có giá 2.550 USD (khoảng 25 triệu đồng). Số tiền lớn đến nỗi họ sẵn sàng trở thành những kẻ săn bắn bất hợp pháp, bất chấp nguy cơ có thể bị bắt và bỏ tù đến 15 năm.


Sau khi sập bẫy những kẻ săn trộm, hổ bị xẻ thịt, da và xương sẽ được đưa qua biên giới tới Ấn Độ (thị trường tiêu thụ chính) rồi biến thành đông dược tại Trung Quốc.


“Cuộc chiến” chống săn trộm


Trước vấn nạn săn bắn bất hợp pháp, năm 2011, Cục cảnh sát điều tra tội phạm Nepal đã thành lập đội đặc nhiệm về thiên nhiên hoang dã. Sĩ quan cảnh sát Pravin Polharel - người từng đứng đầu 11 đội đặc nhiệm chịu trách nhiệm chống săn trộm tại 9 công viên quốc gia - cho biết 15 - 20% những kẻ săn bắn trộm ở Nepal đã bị phát hiện trong “cuộc chiến” này. Ông Polharel tiết lộ phương thức hoạt động của các đội đặc nhiệm: “Chúng tôi nhận thông tin từ những nguồn đặc biệt, rồi cải trang thành những người mua và lấy chứng cứ bằng cách sử dụng máy thu âm, ghi hình bí mật”.


Bên cạnh những hiệu quả đạt được, “cuộc chiến” chống nạn săn trộm cũng đặt cuộc sống của những thành viên đội đặc nhiệm vào vòng nguy hiểm, như trường hợp của Ramesh Thapa - trợ lý tại Vườn quốc gia Bardia. Thapa chia sẻ anh từng nhận nhiều cuộc gọi đe dọa đến tính mạng, buộc ảnh phải đưa vợ con rời khỏi làng đến thủ đô Kathmandu.


Ông Bhadai Tharu cũng là một trường hợp đặc biệt. Cách đây 9 năm, ông Tharu bị một con hổ bất ngờ tấn công khiến ông mất một mắt. Người đàn ông 48 tuổi này tâm sự: “Hai năm sau vụ tai nạn, tôi đã không tham gia nhiều vào công việc bảo vệ loài hổ. Giờ thì nếu không nhìn thấy dấu chân hổ hàng ngày, tôi cảm thấy thiếu đi cái gì đó”. Những trường hợp trên là minh chứng cho thấy sự tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu mến loài hổ của những người nỗ lực bảo vệ sự tồn tại của “chúa sơn lâm”.


Theo số liệu được chính phủ Nepal công bố cuối tháng 7 vừa qua, số lượng hổ Bengal trong tự nhiên tại nước này đã tăng từ 121 con năm 2009 lên 198 con năm 2013, chứng tỏ sự thành công của “cuộc chiến” chống nạn săn trộm. Chính phủ Nepal đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên tại nước này.


Hà Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN