Để VĐV tin vào bác sỹ thể thao Việt Nam

Việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị chấn thương cho vận động viên (VĐV) tại nước ta hiện nay là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cao thành tích trong thi đấu cho VĐV. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được quan tâm và đầu tư một cách đúng mực.


Thiếu bác sỹ chuyên nghiệp


Vào thời điểm này, trên cả nước chỉ có Bệnh viện (BV) Thể thao Việt Nam (Mỹ Đình, Hà Nội) là đơn vị duy nhất thực hiện công tác chăm sóc, điều trị và phục hồi chấn thương cho VĐV và người dân bị chấn thương trong quá trình tham gia hoạt động thể thao. BV Thể thao Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, với tiền thân là Trung tâm Y học Thể thao Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động, BV đã thể hiện được vai trò của mình trong việc theo dõi, điều trị, cũng như phục hồi chấn thương cho VĐV. Đồng thời, sự ra đời của BV này cũng được đánh giá là thay đổi cơ bản về “chất” và “lượng” trong công tác chăm sóc sức khỏe VĐV, đặc biệt là công tác y học thể thao tại Việt Nam.

 

Hệ thống y tế thể thao cần phải được làm tốt từ cấp cơ sở. Ảnh: Bảo An


Nhưng nhìn chung, còn nhiều hạn chế trong việc chăm sóc, điều trị và phục hồi chấn thương cho VĐV tại Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến tình trạng thiếu bác sỹ điều trị trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là bác sỹ được đào tạo chính quy. Tại BV Thể thao Việt Nam, đơn vị đầu ngành trong việc chăm sóc, điều trị và phục hồi chấn thương cho VĐV hiện có khoảng 20 bác sỹ chuyên khoa nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tại BV chứ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho VĐV chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước.

Ngoài những vấn đề chuyên môn ảnh hưởng tới chất lượng chữa trị chấn thương cho VĐV, cũng không thể không nhắc đến chuyện thu nhập của bác sỹ thể thao. Theo một số bác sỹ làm việc tại BV Thể thao Việt Nam, thu nhập của họ là chưa thỏa đáng so với công sức bỏ ra.


Hơn nữa, cũng cần phải nhìn nhận thực tiễn từ các đơn vị, trung tâm, các sở thể dục thể thao cấp cơ sở để thấy được phần nào “lỗ hổng” hệ thống y học thể thao hiện nay. Bác sỹ tại cơ sở là những người trực tiếp điều trị chấn thương ban đầu cho VĐV, công tác này là một trong những khâu quan trọng nhưng lại chưa được thực hiện tốt, bởi đội ngũ chăm sóc sức khỏe VĐV tại các đơn vị hầu hết là làm việc theo hợp đồng thời vụ, không có người gắn bó lâu dài với công tác này. Vậy nên, mỗi một kỳ đại hội thể thao trong và ngoài nước, chúng ta đều phải vận động các bác sỹ tại nhiều BV khác nhau làm công tác chăm sóc sức khỏe VĐV.


Trước đây, Việt Nam từng đào tạo tới chuyên khoa I về y học thể thao, nhưng trong thời gian khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, công tác đào tạo này bị gián đoạn. Có lẽ, chính vì những lý do kể trên mà năng lực bác sỹ tại các đội tuyển vẫn bị đánh giá là thiếu đồng đều và khả năng chuyên môn không cao.


Cần tạo lòng tin


Đã đến lúc y học thể thao Việt Nam cần tạo được lòng tin và vị trí nhất định đối với VĐV. Từ trước tới nay, mỗi khi gặp chấn thương, VĐV đều đua nhau ra nước ngoài điều trị, mặc dù họ phải chịu tốn kém chi phí hơn nhiều so với điều trị trong nước. Xu thế này là do tâm lý hình thành sẵn ở VĐV, rằng ở nước ngoài điều trị tốt hơn. Dường như ở mỗi VĐV đều thiếu niềm tin đối với đội ngũ chuyên môn trong nước. Cần phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, về một số hạng mục kỹ thuật, Việt Nam còn thiếu và yếu so với các tổ chức y học thể thao tại các quốc gia phát triển tại châu Âu, hay Singapore, Malaysia, Thái Lan… Đó là những yếu tố quyết định phần nào đến chất lượng của công tác điều trị.


Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc BV Thể thao Việt Nam, cho biết: “Xét về góc độ tay nghề, sự khéo léo, nhanh nhạy trong công tác chẩn đoán, cũng như ý tưởng thực hiện kỹ thuật, các bác sỹ Việt Nam không thua kém đồng nghiệp nước ngoài. Cái mà chúng ta thiếu là những máy móc, trang thiết bị, ví dụ một số loại máy đánh giá chức năng, thăm dò chẩn đoán hình ảnh hiện đại...


Cũng theo chia sẻ của bác sỹ Phú, thời gian gần đây, các VĐV bị chấn thương (đặc biệt là các VĐV đỉnh cao) đến điều trị tại BV Thể thao Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Năm 2013, nhiều trường hợp VĐV bị chấn thương, tai nạn đã được phẫu thuật tại BV. Điển hình như trường hợp của VĐV điền kinh Trương Thanh Hằng, cô cũng phẫu thuật và điều trị phục hồi trong vài tháng tại BV và đạt những kết quả rất tốt.


Như vậy, nếu được đầu tư phát triển đội ngũ bác sỹ thể thao có tính chuyên nghiệp cao từ cấp cơ sở và được trang bị thêm thiết bị khám, chữa chấn thương, y học thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ thu được nhiều thành công hơn, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển y học thể thao của nước nhà.


Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN