Do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của ngân hàng cấp trên mà thiếu đi phần hỗ trợ của ngân sách địa phương nên năm 2011 thực sự là một năm rất khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Phú Thọ khi kế hoạch phân bổ đầu năm đã cắt đi nguồn vốn của hầu hết các chương trình chi nhánh đang thực hiện.
Hộ nghèo xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trong khi các lĩnh vực đều phải tạm dừng bổ sung nguồn do thiếu vốn thì duy nhất chỉ chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được cấp thêm trên 100 tỷ đồng đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của chương trình giúp tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ tri thức của các thế hệ học trò nghèo.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bái, ở khu 1 phố Vàng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đều nghỉ chế độ từ năm 1990. Ông bà có ba cậu con trai đều học lực khá nhưng vì biết bố mẹ quá nghèo nên không ai nghĩ đến việc học lên đại học. Nhưng rồi nguồn vốn của NHCSXH cho vay đã giúp ông bà Bái phần nào trút bỏ được gánh nặng lo âu về tài chính. Vậy là cậu con thứ và con út của bà Bái có kinh phí đi học, trở thành sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 và Trường Đại học Giao thông Vận tải. Cậu con lớn sau 4 năm tốt nghiệp THPT, đã lăn lộn kiếm đủ mọi việc cùng mẹ gánh vác gia đình giờ cũng quyết định đi học lại. Và nhờ sự trợ giúp của nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, cậu đã trở thành sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Hùng Vương. Bà Bái cho biết: “Trước đây tôi đã từng nghĩ đến khả năng phải bán nhà để nuôi các con ăn học, nhưng may có NHCSXH hỗ trợ mà tôi chưa phải đến bước đường cùng ấy. Các cháu có tri thức, sẽ tìm việc làm để trả nợ”.
Đồng hành cùng các hộ dân nghèo, NHCSXH luôn khẩn trương để đưa nguồn vốn ưu đãi đến với những người được thụ hưởng bằng cách giải ngân vốn nhanh nhất. Thuận lợi của chương trình là ngoài sự nỗ lực của cán bộ ngân hàng và sự tích cực của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, thì cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp đều đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình từ công tác thẩm định, bầu chọn, xác nhận đến xúc tiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng.
Đầu năm 2011, ngay khi có kế hoạch bổ sung nguồn cũng là thời điểm các trường học bắt đầu vào học kỳ II. NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch các huyện nhanh chóng giải ngân cho các hộ vay vốn. Số vốn đến hạn thu nợ cũng rất khẩn trương được quay vòng để mang tới cơ hội học tập cho nhiều học trò nghèo.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay HSSV toàn tỉnh đạt 98,5 tỷ đồng, trong đó có tới gần 20 tỷ đồng là vốn đến hạn được quay vòng tái đầu tư. Bước vào năm học 2011 – 2012, phòng giao dịch các huyện cũng đã chủ động lập kế hoạch giải ngân cho vay kỳ mới đối với số HSSV đang còn dư nợ, đồng thời cũng dự kiến số lượng HSSV có nhu cầu vay mới để dự trù nguồn vốn. Các quy trình nghiệp vụ đã được chuẩn bị chu đáo từ việc bầu chọn, xác nhận, lập danh sách đến kế hoạch sử dụng vốn. Cũng như nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác, ý thức trả nợ của các hộ dân nghèo phải vay vốn nuôi con ăn học khá nghiêm túc.
Chị Hoàng Thị Thành ở khu 5 xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, phải vay tiền để cho cô con gái duy nhất được học hệ Cao đẳng Trường Đại học Hùng Vương của tỉnh. Sau khi con gái tốt nghiệp dù khó khăn nhưng chị vẫn quyết định cho con tiếp tục học liên thông lên đại học và chị lại được NHCSXH giải quyết cho vay. Khi đang chờ làm thủ tục để vay tiếp tiền cho con học lên đại học thì gia đình chị được hưởng một khoản đền bù nhỏ cho phần đất ruộng bị lấy làm đường quốc lộ. Anh chị đã bàn nhau dành tiền đền bù để làm vốn mở một cửa hàng nhỏ nhưng thấy tình hình nguồn vốn cho vay HSSV còn hạn chế mà số người có nhu cầu vay thì cao, trong đó có nhiều hộ nuôi tới 2-3 con cùng học, nên anh chị quyết định từ chối vay tiếp, đồng thời hoàn trả trước hạn toàn bộ số vốn đã vay để dành cơ hội vay vốn lại cho hộ khác khó khăn hơn mình.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tỷ lệ thu nợ đến hạn của chương trình HSSV đạt khá cao. 9 tháng qua, doanh số thu nợ cho vay HSSV trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 33 tỷ đồng, tương đương với con số hơn 4.000 lượt SV được vay vốn cho 1 năm học.
Kim Thư