Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong nước

Hôm qua (8/5), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt nhằm tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì sự phát triển của nền kinh tế.

 

Hàng Việt vẫn khó cạnh tranh


Theo Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thị trường trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng dần qua từng năm: Năm 2010 tăng 28,87% so với năm 2009; năm 2011 tăng 24,18%; năm 2012 tăng 16%. Tỉ lệ nhập siêu cũng giảm dần, năm 2010 là 12,3 tỷ USD và đến năm 2012, cán cân thương mại đã đạt trạng thái xuất siêu 287 triệu USD…


 

Khách hàng chọn mua hàng may mặc Việt Nam tại hệ thống siêu thị Vinatexmart ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

 

Đặc biệt, đến nay, tỷ trọng hàng Việt trong các kênh phân phối hàng hóa tăng lên. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng Việt chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% là hàng sản xuất trong nước. Thị hiếu người tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể khi lựa chọn Việt, hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% và nhóm hàng thực phẩm, rau quả được trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...


Tuy nhiên, việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ sản phẩm giảm sút, hàng tồn kho cao. Hàng Việt vẫn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Hệ thống phân phối hàng Việt chưa rộng khắp, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn thiếu tính ổn định. Chính sách trợ giúp cho DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa đủ mạnh.


Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Hàng thuần Việt hay hàng hóa của DN nhỏ và vừa rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng như hàng nhập ngoại. Hiện nay, nếu nhà phân phối ưu tiên bán hàng của các tập đoàn đa quốc gia thì hàng thuần Việt không còn có chỗ đứng, thậm chí “cứ đi vào siêu thị rồi lại bị quăng ra”.

 

Ưu đãi thuế, phí, hạ tầng cho DN


Để gỡ khó cho sản xuất và kinh doanh của hàng Việt, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đưa ra một số mục tiêu đến năm 2020: Xây dựng kênh truyền thông ở Trung ương và tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về tuyên truyền và quảng bá riêng về hàng Việt. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm phát triển hệ thống phân phối hàng Việt thông qua các hoạt động cụ thể như: xây dựng cơ sở dữ liệu về mạng lưới (bản đồ) phân phối hàng Việt ở 63 tỉnh thành; xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt tại các chợ bán lẻ truyền thống tại các địa phương; xây dựng 3 mô hình thí điểm Tổng kho hàng Việt tại địa bàn nông thôn; xây dựng ít nhất 1 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng đối với mỗi nhóm mặt hàng có lợi thế…


Theo Đề án, Nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu và đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho các DN, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ; cung cấp thông tin về thị trường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách giúp DN trong đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh…


Để nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Thị Ngọc Đào cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế, phí cho DN, nhất là những DN nhỏ và vừa và những DN có định hướng phát triển ở thị trường nông thôn. Ở nhiều vùng nông thôn, nếu không có chính sách miễn giảm tiền thuê đất thì hệ thống phân phối khó phát triển được.

 

Đồng tình với ý kiến trên, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) cho rằng: Ngoài thuế phí, mặt bằng bán lẻ là điều kiện quan trọng để phát triển hệ thống phân phối. Hiện nay, các chính sách cho phát triển thương mại vẫn chưa được quan tâm như trong lĩnh vực sản xuất và đó cũng là lý do khiến hạ tầng thương mại nội địa vẫn chưa phát triển.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN