Nhằm khôi phục và phát triển đội nhạc và nhạc cụ nhạc ngũ âm, nét văn hóa dân gian độc đáo không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer, Ban Dân tộc tỉnh An Giang phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh đã trang bị 20 bộ dàn nhạc cụ ngũ âm để hỗ trợ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh, gồm huyện Tri Tôn (12 chùa); Tịnh Biên, Châu Thành (mỗi huyện 3 chùa); Châu Phú, Thoại Sơn (mỗi huyện 1 chùa); tỉnh An Giang hiện có 65 chùa Nam Tông Khmer, tập trung tại 5 huyện Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Kinh phí của hoạt động này được lấy từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Đồng bào Khmer có nhiều lễ, Tết quan trọng trong năm, như lễ Phật Đản, tết Chol Chnăm Thmây, lễ Chol Bà Sa (đưa nước), Chanh Bà Sa (rước nước), lễ Kathina (dâng y), lễ Okombok (cúng trăng), lễ Kom Sal Sros (lễ cầu an sau khi thu hoạch lúa mùa), lễ Dolta (Lễ tạ ơn)... Trong các lễ Tết này, không thể thiếu phần trình diễn của dàn nhạc ngũ âm. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn tỉnh An Giang hiện chỉ có 3/65 chùa Nam Tông Khmer có dàn nhạc ngũ âm với đầy đủ nhạc cụ, tại chùa Thnôt Chrộm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn), chùa Châu Lăng (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) và chùa Tà Ngáo (xã An Phú, huyện Tịnh Biên). Ngoài ra còn có 20 dàn nhạc không đầy đủ nhạc cụ. Vì vậy, việc đầu tư này là rất cần thiết và hiệu quả trong việc gìn giữ và phát triển dàn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer.
Nhạc cụ dân tộc “Ngũ âm” của đồng bào Khmer khác hẳn với đồng bào Kinh, được làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, đồng, gáo dừa, da bò, da trăn. Dàn nhạc "Ngũ âm" gồm các nhạc cụ: Trống nhỏ SKô Arắc (Skôday), trống lớn SKô - Sôm - Phô (SKôthôm), đàn Trôsao (giống hình chiếc chìa khóa), đàn Tà Khê (2 dây), đàn Khưm, đàn Trô U được làm bằng gáo dừa, bộ gõ Rôniet bằng gỗ và bằng đồng...
Thu Trang