Dấu ấn những cây cầu mang thương hiệu Thăng Long

Cách đây tròn 40 năm, theo Quyết định số 2896/QĐ-TC của Bộ GTVT, Xí nghiệp liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập để triển khai xây dựng cầu Thăng Long - Cây cầu lịch sử biểu tượng cho công cuộc xây dựng XHCN của đất nước. Cũng từ công trình lịch sử này, tên gọi “thợ cầu Thăng Long” đã được mọi người biết đến như một “thương hiệu”.

Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) - một trong những công trình do Tổng Công ty xây dựng Thăng Long thi công.


Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) xây dựng Thăng Long cho biết: Trong suốt 40 năm xây dựng và trưởng thành, cho dù trong thời kỳ nào TCT xây dựng Thăng Long cũng đều phát huy nội lực vượt lên khó khăn. Tập thể những người thợ cầu Thăng Long luôn sáng tạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để biến nó trở thành sức mạnh và trí tuệ, thành tiềm năng và hành trang trong suốt quá trình phát triển.


Nhịp cầu nối những bờ vui


40 năm trước, người thợ cầu Thăng Long đã đặt những viên đá đầu tiên xây dựng nền tảng cho Tổng Công ty khi thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng cầu Thăng Long vượt qua sông Hồng, nối liền Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và hàng loạt công trình trọng điểm khác. Đây là cây cầu vượt sông Hồng với tổng chiều dài cho cả đường sắt, đường bộ và đường thô sơ hơn 11 km. Hàng vạn CBCNV, đặc biệt là những kỹ sư, những người thợ trẻ trên khắp mọi miền đất nước đã không quản ngày đêm, khó khăn gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy làm việc với tinh thần “Tất cả vì mạch máu giao thông của Tổ quốc”. Cầu Thăng Long, công trình đã trở thành bản anh hùng ca của đất nước giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 và được những người thợ cầu ví như trường đại học thực hành đầu tiên của Việt Nam đào tạo đội ngũ thợ cầu mang tên Thăng Long. Đúng như lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm CBCNV Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long vào tháng 11/1983 là “Xây dựng xong chiếc cầu là quý, nhưng chưa quý bằng đào tạo nên đội ngũ cán bộ, công nhân tinh thông nghề nghiệp”. Câu nói đó đã đồng hành cùng đội ngũ những người xây dựng cầu Thăng Long trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.


Sau khi hoàn thành cầu Thăng Long, những người thợ cầu lại đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Tập thể công nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư với trên 6.000 người lại rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu việc làm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới một cách toàn diện, triệt để đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ định hướng chung của Đảng, Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long bắt đầu chuyển đổi mô hình tổ chức từ xí nghiệp liên hợp sang mô hình Liên hiệp các xí nghiệp, xoá bỏ chế độ quản lý tập trung, chuyển đổi các xí nghiệp thành viên phụ thuộc thành các xí nghiệp hạch toán độc lập, tự chủ sản xuất kinh doanh. Liên hiệp phân, giao tài sản cho các xí nghiệp thành viên để tự kiếm sống, tự cứu mình. Khi đó những người thợ cầu Thăng Long đã chấp nhận làm bất cứ công việc gì để có thu nhập chính đáng, vượt qua khó khăn để tồn tại và tìm hướng phát triển.


Một lần nữa bản lĩnh, ý chí của người thợ cầu Thăng Long lại được thử thách, khơi dậy. Khi đó, đội ngũ lãnh đạo Tổng Công ty đã thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các loại hình kinh doanh nhưng vẫn giữ thế mạnh là xây dựng các công trình cầu.


Bước vào thời kỳ đổi mới


Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xóa bỏ cơ chế bao cấp, sang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó thành phần kinh tế Nhà nước giữ vai trò then chốt, các đơn vị thành viên được chủ động tổ chức các hoạt động kinh doanh sản xuất, theo Quyết định 388/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với TCT xây dựng Thăng Long, ngoài chức năng là quản lý cấp trên với các đơn vị, còn trực tiếp tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự chuyển đổi mạnh mẽ của Tổng Công ty đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhà nước đủ sức cạnh tranh và hoạt động có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường. Không dừng lại ở việc xây dựng cầu mà còn xây dựng đường xá, kiến trúc, cảng biển, cảng sông, sân bay, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm công nghiệp, các hoạt động dịch vụ thương mại, kỹ thuật, đào tạo và y tế. Mô hình hoạt động của Tổng Công ty phù hợp với mô hình Tổng Công ty theo Quyết định 90/TTg năm 2004 của Chính phủ.


Trong thời kỳ này, sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho CBCNV không ngừng tăng nhanh. TCT đã chuyển đổi thành công từ mô hình tập trung sang thi công các cầu có địa bàn phân tán. Các dự án lớn hoàn thành trong giai đoạn này như: Cầu Bến Thủy, cầu Nậm Măng, cầu Nậm Hy (trên nước bạn Lào); cầu Việt Trì, cầu Bình, cầu Phong Châu, cầu Tràng Tiền, cầu Sông Gianh, 6 cầu Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Vinh, cầu Sông Mã và cầu Hàm Rồng vượt, 3 cầu phía Bắc, cầu Phù Đổng mới; gói 2 dự án nâng cấp cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Tại các công trình này, những người thợ cầu Thăng Long đã làm chủ khoa học công nghệ, không còn có sự hỗ trợ của chuyên gia Nga như trong giai đoạn xây dựng cầu Thăng Long. Điều này đã đánh dấu giai đoạn trưởng thành của đội ngũ xây dựng cầu Việt Nam.


Tình trạng tăng trưởng nóng của các đơn vị trong giai đoạn 1999-2000 mà hậu quả của nó là thiếu việc làm, máy móc thiết bị đầu tư hiệu quả thấp, nợ đọng trong xây dựng cơ bản gia tăng, ngân hàng tăng cường thu hồi nợ… đã làm cho các đơn vị của TCT xây dựng Thăng Long nói riêng và ngành xây dựng GTVT nói chung gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất. Theo ông Phan Quốc Hiếu, trong giai đoạn này, mục tiêu của TCT là: Chặn đứng lỗ, nâng cao đời sống CBCNV; tập trung mọi nguồn lực để lành mạnh hóa nền tài chính của TCT và các đơn vị; nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của cơ quan TCT, đẩy mạnh phát huy vai trò tự chủ trong hoạt động SX kinh doanh của các đơn vị; hoàn thành việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 14 đơn vị được cổ phần hóa.


Trong giai đoạn này, công tác quản trị doanh nghiệp của TCT được nâng cao, hiệu quả kinh tế và việc thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng được đặc biệt chú trọng, từ đó tính chuyên nghiệp trong điều hành và kỷ cương được thể hiện rõ nét trên tất cả các công trường thi công. Các dự án tiêu biểu hoàn thành trong giai đoạn này là cầu Trung Hà, cầu Tạ Khoa, Cầu Kiền, cầu Yên Lệnh; gói 4 xây dựng 5 cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; dự án đường quốc lộ 1A giai đoạn 2; các cầu Bồng Sơn, Bàn Thạch, Đà Rằng, Riêu Trì; dự án đường 18, đoạn Nội Bài-Bắc Ninh, cầu Vân Đồn; dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn I.


Thời kỳ hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con


Cùng với các chủ trương, định hướng để phát triển, TCT luôn bám sát thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là chủ trương “Đổi mới quan hệ hợp đồng kinh tế giữa công ty mẹ với các công ty con, đơn vị liên kết trên nguyên tắc: Kinh doanh có lãi, cơ chế minh bạch, hợp đồng rõ ràng, quan hệ sòng phẳng, chất lượng đảm bảo, về trước tiến độ” đã tạo nên sức mạnh của TCT trong quá trình tổ chức triển khai các dự án.


Trong bối cảnh giá cả thị trường biến động, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là chính sách cắt giảm đầu tư công, CBCNV TCT đã nỗ lực hết mình, thi công và hoàn thành hàng loạt các dự án lớn, với tiến độ rút ngắn trong điều kiện thi công khó khăn góp phần giải quyết ách tắc giao thông trong các đô thị lớn, giảm hành trình của tầu hỏa Bắc - Nam. Các dự án tiêu biểu là: Các gói thầu xây dựng cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Phù Đổng làn 2, đường vành đai 3, giai đoạn 2, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, cầu Rạch Chiếc nhánh biên và nhánh giữa, các cầu vượt nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Hiện TCT đã và đang gấp rút hoàn thành các gói thầu trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, gói thầu CP1D 7 cầu đường sắt tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị triển khai hàng loạt các dự án mới như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; các cầu đường sắt tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nút giao thông Cầu Giấy, các cầu vượt nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…


Các chỉ tiêu phát triển của TCT về năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước luôn vượt chỉ tiêu được giao, đời sống cán bộ công nhân viên đảm bảo, không có tình trạng nợ đọng lương công nhân kéo dài. Qua đó uy tín thương hiệu Thăng Long tiếp tục được khẳng định.


Trên chặng đường tương lai, chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng tập thể CBCNV dưới mái nhà chung Thăng Long với tinh thần lạc quan, tin tưởng, phát huy truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển để tiếp tục vượt qua các khó khăn thách thức, xây dựng TCT phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN