Tỉnh đã phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như lễ cúng sức khỏe, lễ cầu mưa, mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi… Tỉnh cũng công nhận một số lễ hội đặc trưng của địa phương như Hội voi huyện Buôn Đôn được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào tháng 3 của năm chẵn, hội đua thuyền nam truyền thống ở huyện Krông Ana được tổ chức vào mùng 4 Tết hàng năm; đầu tư, nâng cấp các cơ sở làng nghề truyền thống gắn với các tuyến du lịch như cụm nghề dệt thổ cẩm, cụm nghề nấu rượu men lá, rượu cần, cụm nghề làm gốm đặc trưng của đồng bào dân tộc M’nông.
Tỉnh khai thác tốt các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh tại các điểm như Đình Lạc Giao, Bia tưởng niệm các chiến sĩ Nam Tiến, Chùa Khải Đoan, Tòa Giám mục… Là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê vối nhiều nhất nước, tỉnh Đắk Lắk khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư, xây dựng các mô hình du lịch gắn với cà phê, với các sản phẩm du lịch như tìm hiểu, trực tiếp tham gia vào các quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê tại các vị trí thuận lợi...
Đắk Lắk cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch như Khu du lịch quốc gia Yok Đôn, Khu du lịch cụm thác Dray Nur - Dray Sáp Thượng, Khu du lịch sinh thái, văn hóa, cà phê Ruối Xanh, điểm du lịch hồ Lắc, thác Thủy Tiên… Tỉnh đã công bố rộng rãi quy hoạch các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch.