Đại hội XI Công đoàn Việt Nam: Sáng tạo, đổi mới vì quyền lợi người lao động

Diễn ra từ ngày 28/7 đến ngày 30/7/2013, tại Hà Nội, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam được đánh giá là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn nước ta. Đại hội xác định 4 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới với phương châm “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”.


Chỗ dựa tin cậy của người lao động


“Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Công đoàn càng cần phải làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động”..., trong bài phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về trách nhiệm của tổ chức công đoàn nước ta.


Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN.


5 năm qua, trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, người lao động chịu ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống. Song, với bản lĩnh của giai cấp công nhân, tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ đoàn viên, người lao động nước ta vẫn tin tưởng, ủng hộ đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước theo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.


Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, để có được niềm tin này từ người lao động, tổ chức công đoàn nước ta đã chủ động nghiên cứu, tập hợp ý kiến của đông đảo đoàn viên, người lao động để tham gia xây dựng, hoàn thiện hàng trăm văn bản pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến người lao động; đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật Công đoàn năm 2012, tham gia xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012 và nhiều chính sách, chế độ cụ thể về việc làm, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…


Các cấp công đoàn còn tham gia đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư. Bên cạnh đó, hoạt động Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các quỹ trợ giúp khác của công đoàn đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đoàn viên, người lao động. Mô hình Quỹ trợ vốn cho người lao động tự tạo việc làm (CEP) của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh đã được nhân rộng ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, được Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp đánh giá cao.


Các chương trình hoạt động xã hội, nổi bật là chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" do tổ chức công đoàn phát động đã thu hút sự tham gia của hàng triệu lượt đoàn viên và người lao động, được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước với số tiền hỗ trợ hàng chục tỉ đồng, giúp hàng trăm gia đình ngư dân khó khăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Đối với đội ngũ công nhân, lao động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Đội ngũ công nhân, lao động phải nâng mình lên một tầm cao mới - tầm cao không chỉ về lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà tầm cao cả về sự nhận thức vai trò, vị trí chính trị to lớn của giai cấp công nhân - giai cấp làm chủ vận mệnh của đất nước, lại đang có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng ngày càng trí thức hóa”.


Để làm được điều này, một trong những giải pháp là tổ chức công đoàn cần chăm lo làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổ chức Công đoàn phải làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động; chủ động tham gia thương lượng với người sử dụng lao động và tổ chức tốt việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tốt các tranh chấp lao động, tham gia xây dựng phương án sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tham gia rà soát, xây dựng định mức lao động, nhất là ở những đơn vị cổ phần hóa, sắp xếp lại hoặc giải thể.

Chú trọng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để công nhân, lao động thực hiện được quyền làm chủ của mình. Công đoàn phải liên tục đổi mới nội dung và hình thức tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm ngành, địa phương và cơ sở, hướng phong trào thi đua vào mục tiêu "năng suất - chất lượng - hiệu quả", "việc làm - đời sống - dân chủ và công bằng xã hội", tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống công nhân, lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương.


“Công đoàn cần chủ động tham gia và bảo vệ, tạo mọi điều kiện để công nhân, lao động có quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và được hưởng lợi xứng đáng với những đóng góp của mình khi tham gia các công việc của doanh nghiệp” - Tổng Bí thư chỉ đạo.


Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động


Trong 5 năm qua, cả nước ta có gần 3,3 triệu đoàn viên công đoàn được kết nạp, có thêm gần 30.000 công đoàn cơ sở được thành lập. So với năm 2008, số đoàn viên đã tăng hơn 1,7 triệu người và hơn 21.000 công đoàn cơ sở; tỷ lệ công đoàn cơ sở đạt vững mạnh đạt gần 77%.


Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI ra mắt Đại hội. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


"Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sự quan tâm phối hợp của Nhà nước, các bộ, ngành, các cấp ủy đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cấp các ngành; tinh thần năng động, sáng tạo của các cấp công đoàn và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của đông đảo đoàn viên và người lao động cả nước"- ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh.


Để hoạt động của tổ chức công đoàn thời gian tới hiệu quả hơn, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ và cải tiến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới; chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn, làm cho công đoàn không ngừng lớn mạnh, thật sự là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng rộng lớn của công nhân, lao động, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, lao động.

Đại hội XI công đoàn Việt Nam xác định 4 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới: “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018”; “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn”; “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”; “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động”.


“Cần phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng và tăng cường các hoạt động xã hội để tập hợp, động viên được đông đảo công nhân, lao động trong tất cả các thành phần kinh tế” - Tổng Bí thư gợi ý. Trong đó, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, theo hướng hướng về cơ sở "vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước".


Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng xơ cứng, hành chính hóa trong hoạt động công đoàn. Đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn ở khu vực kinh tế tư nhân, liên doanh và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động, đồng thời là chỗ dựa tin cậy để phát huy vai trò làm chủ của công nhân, lao động.


Tổng Bí thư lưu ý: Trong giai đoạn hiện nay, công tác vận động, thuyết phục, hình thức công tác của tổ chức Công đoàn cũng phải được thường xuyên đổi mới, phong phú hơn, sinh động hơn, hấp dẫn hơn, phù hợp và thiết thực với từng đối tượng, tránh máy móc, đơn giản, tẻ nhạt, khắc phục tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa đoàn viên, xa người lao động.


Trước yêu cầu mới, tổ chức Công đoàn cần đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.


Thách thức không nhỏ


“Đại hội diễn ra trong thời điểm nền kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặt ra thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn Việt Nam, nhất là chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động” - ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh nhận định.


Hiện tại, công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là chất lượng đội ngũ công nhân viên chức - lao động vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật lao động chưa cao. Tình trạng người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, việc làm không ổn định sẽ diễn ra ở tất cả các ngành nghề. Quan hệ lao động có xu hướng phức tạp...


Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức, Đại hội XI công đoàn Việt Nam xác định phương châm hành động trong 5 năm tới là: "Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn". Đại hội cũng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, trong đó đáng lưu ý là hai giải pháp: Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.


P.V.H


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN