Đại hội cổ đông bất thường SHB thông qua đề án sáp nhập VVF

Ngày 24/10/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2015. Tổng số cổ đông tham dự và biểu quyết tại Đại hội là 459 cổ đông, sở hữu 608.421.239 cổ phiếu, chiếm 64,17% cổ phần có quyền biểu quyết.


Toàn cảnh Đại hội



Đại hội đã thông qua giao dịch sáp nhập Công ty Tài chính CP Vinaconex – Viettel (VVF) vào SHB với tỷ lệ phiếu biểu quyết tán thành cao. Cụ thể: Thông qua Giao dịch sáp nhập VVF vào SHB với 93,97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua Dự thảo Đề án Sáp nhập VVF vào SHB (trong đó đã điều chỉnh nội dung “Kiến nghị của SHB với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành” về phân bổ trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC và miễn giảm thuế TNDN” so với Đề án đã được gửi tới cổ đông) với 93,97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua Dự thảo Hợp đồng Sáp nhập Công ty Tài chính Công ty tài chính Cổ phần Vinaconex – Viettel vào SHB với 93,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua Dự thảo điều lệ của SHB sau khi Giao dịch sáp nhập được thực hiện với 93,72% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua việc niêm yết bổ sung cổ phiếu SHB tại HNX sau khi thực hiện giao dịch sáp nhập thành công với 93,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua việc Đăng ký lưu ký chứng khoán bổ sung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam sau khi thực hiện giao dịch sáp nhập thành công với 92,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Thông qua việc Thành lập Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH một thành viên trực thuộc SHB với 93,67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội.

Cổ đông SHB biểu quyết thông qua các giao dịch liên quan đến sáp nhập


Bên cạnh đó, đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ của SHB và phát hành CP SHB ra công chúng để hoán đổi lấy CP VVF nhằm thực hiện Giao dịch sáp nhập tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 24/4/2015 của ĐHCĐ thường niên lần thứ 23 với 93,63% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội; Giao HĐQT, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc SHB chịu trách nhiệm thi hành các Nghị quyết năm 2015 của ĐHCĐ; triển khai tất cả các công việc và thủ tục cần thiết thực hiện giao dịch sáp nhập VVF với 93,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự Đại hội.

Theo đó, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP), đưa vốn điều lệ của SHB lên 10.486 tỷ đồng, tổng tài sản SHB năm 2015 đạt 200.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Sau sáp nhập SHB sẽ tái cấu trúc VVF thành Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng TNHH một thành viên trực thuộc SHB.

Nhằm hợp tác khai thác tối đa tiềm năng to lớn thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty tài chính tiêu dùng SHB sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ nắm giữ tối đa theo quy định của pháp luật.


Bên cạnh đó, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2016 và 2017 (trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF)... Đồng thời, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép SHB phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước năm 2015 trong 10 năm theo khả năng tài chính của Ngân hàng kể từ ngày phát hành trái phiếu; phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở đi trong vòng 10 năm theo khả năng tài chính của SHB kể từ ngày phát hành trái phiếu; Ngân hàng Nhà nước không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu VVF khi thực hiện công tác xếp hạng TCTD hoặc khi tính các điều kiện xin cấp phép khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.


Trước khi đệ trình ĐHCĐ bất thường thông qua giao dịch sáp nhập, trong 3 năm qua SHB đã tính toán, tìm hiểu kỹ lưỡng hoạt động của VVF và nghiên cứu thị trường tài chính tín dụng tiêu dùng. Thành lập năm 2009, đến nay VVF đã có được vị thế và năng lực nhất định trong lĩnh vực tài chính. Tính đến 30/6/2015, tổng tài sản của VVF đạt gần 1.230 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13,4 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của các cổ đông lớn như Viettel, Vinaconex tình hình tài chính của VVF lành mạnh trước khi thực hiện giao dịch sáp nhập. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2015 là 35% nhưng tổng dư nợ thấp nên giá trị tuyệt đối chỉ là 57 tỷ đồng.


Việc nhận sáp nhập VVF nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của SHB phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Giao dịch này giúp Ngân hàng mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, tăng thêm khách hàng cá nhân, các sản phẩm được đa dạng hóa hơn, không chồng chéo với các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân hiện tại của SHB. Để tận dụng tối đa tiềm năng phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng, việc thành lập một công ty tài chính tiêu dùng chuyên biệt với hoạt động ngân hàng bán lẻ của SHB là chiến lược tối ưu.


Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định: “Việc cổ đông thông qua với tỷ lệ cao Đề án nhận sáp nhập VVF ngày hôm nay cho thấy sự tin tưởng vào năng lực tái cấu trúc hoạt động các tổ chức tín dụng của SHB cũng như tiềm năng khai thác thị trường tài chính tín dụng tiêu dùng. Thành công của Đại hội là cơ sở để SHB tiếp tục kiện toàn mô hình tập đoàn tài chính đa năng, gia tăng giá trị ngân hàng, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông”.


Tại thời điểm nhận sáp nhập tháng 8/2012, SHB có vốn điều lệ gần 9,000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120,000 tỷ đồng, 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Campuchia, Lào, gần 5000 cán bộ nhân viên. Đến 30/9/2015 quy mô của SHB được nâng lên mạnh mẽ: tổng tài sản đạt 183 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 9.486 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 702 tỷ đồng, thị phần huy động và cho vay tăng trưởng vượt bậc . Mạng lưới ngân hàng liên tục được mở rộng với 420 chi nhánh, phòng giao dịch, ATM trên cả nước, 2 chi nhánh nước ngoài với tổng số nhân sự xấp xỉ 6000 CBNV. Từ mức trên 8% sau khi nhận sáp nhập HBB năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đến 30/6/2015 của SHB giảm xuống 2,48%, thấp hơn so với mức 3% quy định của NHNN.


Tham dự ĐHCĐ bất thường của SHB, ông Trần Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN Tp Hà Nội- Cơ quan TTGS NHNN Việt Nam đánh giá cao những kết quả SHB đạt được sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng HBB năm 2012, quyết liệt, hiệu quả trong công tác nợ xấu, tăng trưởng về mọi mặt. Đồng tình cao với Đề án sáp nhập VVF, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đồng hành với SHB trong quá trình nhận sáp nhập VVF rà soát chính sách, tháo gỡ khó khăn.


Ngay sau Đại hội, SHB sẽ tích cực triển khai các bước nhận sáp nhập, đảm bảo VVF hoạt động liên tục, hiệu quả. Theo kế hoạch kinh doanh dự kiến, Công ty tài chính tiêu dùng sau sáp nhập sẽ đạt tổng lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng năm 2016, đạt 139,2 tỷ đồng năm 2017, đạt 191,2 tỷ đồng năm 2018 đóng góp hiệu quả vào hoạt động kinh doanh chung của SHB .


Kết quả kinh doanh dự kiến 3 năm sau sáp nhập của Công ty tài chính( đơn vị: tỷ đồng)


Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh

146

277.2

380.2

Chi phí hoạt động

58

93

105

Chi phí dự phòng rủi ro cho vay khách hàng

22

45

84

Tổng lợi nhuận trước thuế

68

139.2

191.2

PP
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN