Cuộc so găng cân não Nga - Mỹ

Trong năm 2013 cộng đồng quốc tế lại được chứng kiến một cuộc "so găng cân não" mới về nhiều vấn đề song phương và quốc tế nóng bỏng trong mối quan hệ giữa hai cựu thù thời "Chiến tranh lạnh" Nga - Mỹ, vốn được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thế giới đa cực ngày nay.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở thành phố Saint Petersburg (Nga) ngày 5/9/2013.

Trung Đông và Bắc Phi, nơi Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đã châm ngòi cho cái gọi là “Mùa xuân Arập” đẩy nhiều quốc gia ở khu vực này rơi vào tình cảnh “nồi da nấu thịt” kéo dài, trong đó có Syria, tiếp tục là "đấu trường" để Moskva và Washington thể hiện cuộc đấu trí cân não.


Mỹ tiếp tục tuyên bố sử dụng mọi biện pháp, kể cả quân sự, để nhanh chóng hạ bệ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad, nhưng Nga lại kiên định lập trường phản đối việc sử dụng vũ lực để lật đổ chính phủ hợp pháp của Syria và biến quốc gia Trung Đông này thành Libya thứ hai. Căng thẳng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng tại Syria được đẩy lên đỉnh điểm khi chính quyền Tổng thống Barack Obama lấy cái cớ chính phủ của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng nổi dậy nên quả quyết đòi "dạy" cho Syria một bài học.


Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sáng kiến Syria phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình và tham gia ký hiệp ước quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ và các nước đồng minh của Washington đã chuyển hướng sang ủng hộ sáng kiến của Nga, tránh khả năng bùng nổ thảm cảnh "đầu rơi, máu chảy" ở quốc gia Trung Đông.


Sự hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới không chỉ giúp Syria tránh được cuộc can thiệp quân sự của phương Tây trong gang tấc, mà còn cho thấy trong thế giới đa cực hiện nay, đối thoại và hợp tác vẫn là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề, kể cả những vấn đề hóc búa nhất.


Năm 2013, cộng đồng quốc tế còn được chứng kiến một loạt bất đồng mới nảy sinh trong mối quan hệ Mỹ - Nga. Điển hình là vụ cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden. Snowden đã trở thành "giọt nước tràn ly" khiến mối quan hệ Mỹ - Nga rơi vào thời kỳ băng giá, đặc biệt sau khi Moskva quyết định trao qui chế cư trú tạm thời cho Snowden, người đang bị Washington truy lùng gắt gao với cáo buộc phạm tội phản quốc. Tổng thống Obama đã quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin theo kế hoach ban đầu và tạm dừng “tái khởi động” quan hệ với Nga.


Mối quan hệ Mỹ - Nga trong năm "Con Rắn" còn bị bồi thêm "cú đòn" mang tên Ukraine. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã soạn thảo chương trình "Đối tác phương Đông" nhằm lôi kéo các quốc gia ở khu vực hậu không gian Xô viết, nơi Nga coi là "sân sau" của mình. Khi chương trình nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Nga ở các nước Liên Xô cũ đứng trước nguy cơ đỗ vỡ thì phương Tây lại chơi bài "không ăn được thì đạp đổ".


Các quan chức hàng đầu châu Âu và Mỹ đã vội vàng đến Kiev để cổ vũ tinh thần cho những người biểu tình phản đối chính phủ với lý do Kiev không kiên định với đường lối liên kết châu Âu. Những hành động của các quan chức hàng đầu ở phương Tây nhằm cổ xúy cái gọi là "dân chủ đường phố" bị Moskva và dư luận quốc tế coi là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền như Ukraine.


Có thể khẳng định rằng hợp tác trong bất đồng là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Obama. Do đó, quan hệ giữa Washington và Moskva trong thời gian tới (ít nhất là đến hết nhiệm kỳ của ông Obama) vẫn tiếp tục phát triển theo xu hướng hợp tác trong bất đồng, nhưng ít có khả năng xuất hiện bước đột phá vì lập trường của hai bên về những vấn đề chủ chốt trong quan hệ Mỹ - Nga cũng như trong các vấn đề quốc tế quan trọng, vẫn còn quá khác biệt.


Dương Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN