Cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp ở Hòa Bình

Được sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDS), từ tháng 5/2011 đến 5/2015, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện Dự án “Chương trình Cải thiện cung cấp dịch vụ công trong Nông nghiệp (PSARD). Với nguồn vốn 4.060.000 USD, chương trình góp phần vào việc nhân rộng công tác lập kế hoạch có sự tham gia, phân cấp quản lý tài chính và cải thiện cung cấp dịch vụ công trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ra cấp độ toàn huyện và toàn tỉnh; giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn của tỉnh.

 

Họp Ban Chỉ đạo Dự án PSARD tỉnh Hòa Bình.


Năm 2013, trong bối cảnh ngân sách đầu tư công liên tục phải cắt giảm, tỉnh Hòa Bình đã cố gắng phân bổ đầy đủ nguồn vốn đối ứng trong việc thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án PSARD như đã cam kết. Các nhóm thực hiện dự án tại các cấp đã phối hợp hiệu quả trong việc, đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án. Toàn bộ 210 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã áp dụng quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 có sự tham gia của người dân (1.857 cuộc họp thôn với 79% số hộ tham gia họp xác định nhu cầu đầu tư thiết thực).

 

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và Đại diện Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy sỹ kiểm tra công trình tại cơ sở.

 

Thông qua các lớp tập huấn và cung cấp Sổ tay hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, năng lực quản lý tài chính của cán bộ xã được cải thiện. Bước đầu, đội ngũ này đã biết sử dụng phầm mềm kế toán, phần mềm quản lý ngân sách; 100% cán bộ tài chính và địa chính có khả năng thực hiện tốt quy trình lập dự toán các công trình cơ sở hạ tầng nhỏ và 60% có có khả năng quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả

 

Công trình đưa nước về đồng ruộng xã Đông Lai, huyện Tân Lạc.


Đặc biệt, Quỹ phát triển xã (CDF) được triển khai ở 87 xã đã trực tiếp góp phần vào công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Dự án đã phân bổ gần 20 tỷ đồng để triển khai 345 hoạt động với hơn 30 nghìn hộ dân hưởng lợi. Các hoạt động tập trung chủ yếu vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ như: kênh mương, nhà văn hóa, đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, trường học... Tổng giá trị các hoạt động đầu tư CDF (không tính phần đóng góp của người hưởng lợi) đạt hơn 16 tỷ đồng. Hỗ trợ từ quỹ chủ yếu dùng để mua xi măng, gạch, sắt, thép, đá và cát còn nhân dân đóng góp chủ yếu là công lao động. Tổng số hộ hưởng lợi từ chương trình CDF đến nay là gần 40 nghìn hộ, trong đó có 14 nghìn hộ nghèo và 7.000 hộ cận nghèo.

 

Xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc mở đường về thôn bản bằng nguồn vốn của Dự án PSARD.

Tham gia Dự án PSARD, người dân không những được bày tỏ mong muốn và quyết định trong việc sử dụng quỹ, đề xuất hỗ trợ các mô hình cơ sở hạ tầng hay phát triển kinh tế gia đình, mà còn thể hiện sự minh bạch trong quản lý tài chính để người dân có trách nhiệm thực hiện. Cách làm này đã được người dân nhiệt tình tham gia và góp sức trong việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.


Theo ông Nguyễn Anh Minh, Quản đốc Ban quản lý Dự án PSARD tỉnh Hòa Bình: Các dịch vụ công dựa vào nhu cầu có chất lượng sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập một cách bền vững ở các địa phương thực hiện dự án. Các địa phương đã mở gần 1.500 lớp tập huấn tại hiện trường (FFS) theo các chủ đề về chăn nuôi trâu bò, gà thả vườn, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, sâu hại trên ngô, lúa... với sự tham gia của 30.000 người dân. Kết quả đánh giá cuối mỗi lớp tập huấn cho thấy 70% người dân cho rằng họ có khả năng áp dụng những kiến thức và kỹ năng được học vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, các điểm thú y cũng đã được kiện toàn, bổ sung thêm logo, biển hiệu giúp người dân nhận biết điểm dịch vụ dễ dàng hơn. Hiện nay, toàn bộ 130 điểm dịch vụ thú y vẫn đang hoạt động và có thu nhập, trong đó 120 điểm có thu nhập bảo đảm.

Các điểm được kiểm tra, giám sát định kỳ cũng như nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ các cán bộ huyện khi cần thiết; đặc biệt trong các hoạt động triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khám và chữa trị cho gia súc, gia cầm tại địa phương. Năm 2013, dự án còn thành lập mới 37 tổ bảo vệ thực vật liên xã, cụm xã, hỗ trợ bình phun, máy phun thuốc; nâng số thành viên tổ bảo vệ thực vật trong toàn tỉnh lên 965 người. Từ hiệu quả của Dự án PSARD, tỉnh Hòa Bình sẽ áp dụng sang các chương trình khác trong tỉnh như 135, nông thôn mới. Đặc biệt quy trình về các lớp học hiện trường được tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và áp dụng rộng rãi như một phương pháp khuyến nông trong toàn tỉnh.


Hy vọng với những cách làm mới và sự hỗ trợ từ Dự án sẽ giúp cho người dân tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là các xã vùng khó khăn sẽ nâng cao nhận thức trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Nhan Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN