Crimea thông qua tuyên ngôn độc lập với Ukraine

Quốc hội nước CH tự trị Crimea (Crưm) thuộc Ukraine ngày 11/3 đã thông qua tuyên ngôn độc lập với Ukraine, chỉ vài ngày trước khi người dân khu vực này bỏ phiếu về việc có sáp nhập với Liên bang Nga hay không. Trong khi đó, Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych cùng ngày tuyên bố sẽ sớm trở về Ukraine.


Crimea đang dần xa Ukraine


Tuyên ngôn nói rõ rằng Crimea sẽ độc lập với Ukraine nếu người dân bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới. Việc thông qua tuyên ngôn độc lập được coi là động thái quan trọng dọn đường cho cuộc trưng cầu ý dân lịch sử sắp diễn ra. Tuần trước, quốc hội Crimea đã bỏ phiếu nhất trí đưa khu vực này thành một phần của Nga mặc dù chính quyền Ukraine coi cuộc bỏ phiếu ngày 16/3 là bất hợp pháp.

Tuần hành ủng hộ Nga ở trung tâm thành phố Donetsk ngày 10/3.


Dù chưa đến ngày trưng cầu ý dân nhưng điều tra cho thấy đã có hơn 80% người dân Crimea ủng hộ việc sáp nhập với Nga. Tỉ lệ người dân ủng hộ đã tăng từ 75% lên hơn 80% sau khi chính quyền lâm thời Ukraine có những hành động gây bất bình gần đây.


Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy Crimea ngày càng tách biệt chính quyền Ukraine: Đêm 10/3, các tay súng mặc đồng phục không rõ danh tính ở Crimea đã chiếm bộ phận kiểm soát không lưu cũng như đường băng của sân bay tại thủ phủ Simferopol. Họ ra lệnh ngừng mọi chuyến bay đến và rời sân bay này trừ các chuyến bay liên quan tới Moskva. Đã có một chuyến bay cất cánh từ thủ đô Kiev buộc phải quay trở lại. Một tay súng cho biết mục đích của họ là ngăn các nhà hoạt động từ Kiev vào Crimea. Trên trang web của mình, hãng hàng không quốc tế Ukraine thông báo mọi chuyến bay giữa Kiev và Simferopol trong ngày 11 và 12 đã bị hủy do “bị hạn chế không phận”.


Chính quyền Crimea cũng đang có ý định quốc hữu hóa hạm đội Hải quân Ukraine tại Sevastopol và các tàu của công ty cổ phần quốc gia Chornomornaftohaz. Nhiều khả năng các chủ thể khác của Ukraine cũng sẽ được quốc hữu hóa. Trước đó, chính quyền Crimea còn thông báo sẽ thành lập lực lượng Hải quân cộng hòa tự trị Crimea. Nếu cuộc trưng cầu ý dân cho phép Crimea sáp nhập Nga, hạm đội nói trên sẽ trở thành một phần của lực lượng vũ trang Nga.


Cùng ngày 11/3, Quốc hội Ukraine đã cảnh báo Nghị viện Crimea rằng họ đối mặt với nguy cơ bị giải tán nếu không hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập vào Nga trước ngày 12/3.


Ukraine tự để mất Crimea?


Trong khi xảy ra nhiều diễn biến xung quanh việc Crimea muốn sáp nhập vào Nga, Tổng thống Yanukovych đã tổ chức một cuộc họp báo ngày 11/3, trong đó cáo buộc chính quyền Ukraine là nguyên nhân khiến nước này có thể sắp mất Crimea. Ông cho rằng chính quyền hiện nay đã dẫn tới thực tế là Crimea đang ly khai. “Chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này..., Ukraine sẽ đứng dậy và thống nhất”, ông nói. Ngoài ra, ông Yanunovyck không đề cập gì khác về Crimea trong cả cuộc họp báo.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/3 đã đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong khuôn khổ pháp lý. Ukraine sẽ trở về khuôn khổ luật pháp quốc tế, có tính đến mọi lợi ích quốc gia. Cùng ngày, cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tìm cách gây sức ép với Nga xung quanh vấn đề Crimea đã kết thúc mà không đạt kết quả. Các nước phương Tây kêu gọi Nga không để Crimea tách khỏi Ukraine và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu Nga nhất trí với lời kêu gọi này. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nhắc lại rằng Nga sẽ thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình với Crimea.

Phát biểu trước báo giới, ông Yanukovych cũng khẳng định lại mình vẫn là tổng thống kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang hợp hiến duy nhất của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh “bất cứ cơ quan chính quyền nào do chính phủ lâm thời Ukraine lập ra đều không hợp pháp”. Ông cũng tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới là đi ngược lại hiến pháp của Ukraine, đồng thời kêu gọi lực lượng vũ trang không tuân theo lệnh của “những kẻ phạm tội”.


Ngoài ra, ông Yanukovych khẳng định mình vẫn có mặt tại Ukraine khi xảy ra chính biến ở Kiev chứ không hề trốn chạy như cáo buộc của Mỹ và một số nước khác.


Về sự trợ giúp của Mỹ và các nước phương Tây cho chính quyền mới ở Kiev, ông Yanukovych đã đề nghị Tòa án Tối cao và Quốc hội Mỹ xem xét lại quyết định viện trợ chính quyền lâm thời Ukraine 1 tỷ USD mà chính quyền Mỹ đưa ra. Quyết định này trái với điều khoản trong hiến pháp Mỹ là cấm viện trợ tài chính cho bất kỳ một quốc gia nào lật đổ tổng thống hợp pháp.


Trang Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN