Công nghiệp mũi nhọn tăng trưởng tốt

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn phát triển ổn định, góp phần giúp kinh tế thành phố vượt qua khó khăn và có bước khởi sắc.

 

Tăng trưởng ổn định


Theo đánh giá của UBND TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số phát triển công nghiệp TP tăng 5,2% so với cùng kỳ; quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng và có dấu hiệu khởi sắc, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành chế biến, giảm dần tỷ trọng của ngành khai khoáng. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 5,18%, sản xuất và phân phối điện tăng 9%, công nghiệp khai khoáng giảm 39%... Đặc biệt, có một số ngành có tỷ trọng tăng cao hơn mức chung toàn ngành như chế biến thực phẩm, đồ uống, trang phục, da giày, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm plastic...


Ngành công nghệ cao được TP.HCM ưu tiên phát triển để tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

 

Ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, hiện tỉ trọng 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm) luôn chiếm 57 - 59% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của TP. Vì vậy, sắp tới để phục vụ tốt hơn cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hút, khuyến khích đầu tư công nghệ kỹ thuật cao, TP.HCM sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp mũi nhọn này. Đây là những ngành góp phần vào sự tăng trưởng ổn định kinh tế của TP nói chung và làm “đầu tàu” kéo các ngành kinh tế khác khởi sắc trong giai đoạn khó khăn hiện nay.


Có được kết quả này, phải kể đến sự điều hành sâu sát của UBND TP.HCM. Cụ thể, lãnh đạo TP đã kịp thời rà soát, nắm bắt và thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường; kịp thời giải quyết những khó khăn về vốn, lãi suất, cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường... Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết, khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là vốn. Vì vậy, UBND TP chỉ đạo Hepza làm việc với các ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng hiểu rõ về tình hình doanh nghiệp, từ đó nới lỏng và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vay vốn. Đây là động thái kịp thời và hữu ích để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

Vươn lên khẳng định mình


Mặc dù trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đã phải “khai tử”, vẫn có không ít doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.


Ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Sài Gòn, cho biết: “Để giữ tốc độ tăng trưởng đều qua các năm, công ty luôn chú trọng đến việc cải tiến, nâng cấp trang thiết bị máy móc nhằm cho ra các dòng sản phẩm mới, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, công ty mới đầu tư gần 288 tỷ đồng cho dự án sản xuất cọc vách nhựa uPVC thay thế cho tường ngăn bằng bê tông cốt thép, cừ tràm, đất hoặc bao cát cho các công trình chống ngập... Công ty cũng đã đầu tư khoảng 1.140 tỷ đồng vào nhà máy sản xuất ván MDF Sahabak (ván ép nhân tạo) giai đoạn 2 với công suất 108.000 m³ ván MDF/năm... Nhờ áp dụng giải pháp trên, nhiều năm liền công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao”.


Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, không thể không kể tới sự phát triển ổn định của Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết: “Tính đến nay, tại TP.HCM, Vissan đã có 355 điểm bán hàng bình ổn, tăng 69 điểm so với năm 2012, có 153 cửa hàng tiện lợi phủ khắp các quận, huyện”.


Khu công nghệ cao TP hiện đã thu hút 71 dự án đầu tư với tổng vốn đạt 2.282 triệu USD, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt 5.504 triệu USD. Tương tự, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm tại Công viên phần mềm Quang Trung ước đạt 69.620 triệu đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

 

Theo Sở Công Thương TP, trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số phát triển của các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm tăng khoảng 8,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nhóm ngành cơ khí chế tạo chiếm 20 - 40% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp thành phố. Nhóm ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử, linh kiện công nghệ thông tin luôn đạt mức tăng trưởng nhanh nhất, thu hút được nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Intell, Nidec... Nhóm ngành chế biến lương thực thực phẩm liên tục vươn lên chiếm lĩnh được thị trường trong nước với những thương hiệu nổi tiếng như Vinamilk, Kinh Đô, bia Sài Gòn, Vissan, Ba Huân...


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN