Con đường “tăng giá” của hạt gạo - Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất để nông dân thoát nghèo

Nhiều ý kiến của những nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng, sẽ không có giải pháp căn cơ nào để giải quyết giá lúa gạo, giúp cho nhà nông thoát nghèo nếu như không tính đến việc quy hoạch lại tổ chức sản xuất lúa gạo.

“Mỗi năm đất nước mình sản xuất 24 triệu tấn gạo, xuất khẩu 7,8 triệu tấn nhưng khâu tổ chức sản xuất còn nhiều vấn đề. Nhất là khâu kinh doanh tiêu thụ lúa gạo”, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhìn nhận.

Máy gặt đập liên hợp đang làm việc trên cánh đồng mẫu lớn.


TS Lê Văn Bảnh phân tích: “Giả sử nông dân lời 30%, với vài công ruộng đất nhỏ lẻ thì thu nhập cũng chẳng đủ sống. Trong khi đó thương lái có lợi nhuận cao hơn. Thương lái chỉ xay xát, đánh bóng cũng lãi có 2 - 3% mà lượng lúa gạo mỗi thương lái thu mua tới 20.000 - 30.000 tấn nên thu lời rất lớn”.


Hệ thống thương lái “tranh mua, tranh bán” o ép giá lúa nông dân và trộn lúa phẩm cấp thấp với các loại lúa hạt dài để tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2012/NĐ-CP như: chủ động nguồn nguyên liệu, hệ thống phơi sấy, tạm trữ… thông qua thương lái thu gom lúa dẫn đến hệ quả gạo Việt Nam không thể có thương hiệu trên thế giới. Vô hình chung, những bất cập đó lại đẩy nhà nông vào thế khó ở “đầu ra”.


Và thực trạng nói trên cũng kìm hãm cho sự phát triển mô hình “Nông hộ nhỏ - Cánh đồng mẫu lớn”. “Khởi động từ 2009 nhưng đến nay diện tích trồng lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mới chỉ đạt vài chục ngàn ha. Chỉ có vài doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn. Còn rất nhiều doanh nghiệp đứng ngoài vẫn thu mua lúa từ thương lái”, TS Lê Văn Bảnh nói.


Ngoài ra, ở những cánh đồng mẫu lớn, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn nhiều khúc mắc, nhất là ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, Nhà nước phải có giải pháp để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.


Mặt khác, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, khuyến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân thành lập những loại hình như: Hợp tác xã (HTX), công ty cổ phần. GS,TS Bửu lý giải: “Mình muốn công nghiệp hóa ngành nông nghiệp thì phải học kinh nghiệm các nước như Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc là những quốc gia có ruộng đồng nhỏ hơn mình. Nhưng HTX của họ thành công, do thứ nhất là nông dân tự nguyện, thứ hai là có ông chủ nhiệm giỏi. Đây là cái mình không có”.


Để giải quyết tình trạng diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún đang phổ biến tại ĐBSCL, TS Lê Văn Bảnh cho rằng, cần phải nâng mức hạn điền nông nghiệp để tăng thu nhập cho nhà nông. Ở nước ngoài, một nông dân cần phải có diện tích đất tối thiểu mới tham gia sản xuất nông nghiệp. Ở nước ta thì ngược lại, diện tích sản xuất nông nghiệp ngày càng bị chia nhỏ do ông bà, cha mẹ chia đất cho con cái. “Hạn điền càng nhiều lên càng tốt, đời sống nông dân tốt hơn. Với 2,3 ha đất thì ông nông dân mình mới lo được cho gia đình, lo được cho con cái đi học. Nhưng ông nào cũng chỉ có 1 ha trở xuống là sống cơ cực. Nhiều đất thì xu hướng sẽ lập trang trại, nông trại, từ đó chất lượng hàng hóa của mình mới cao lên được và đạt chuẩn xuất khẩu, có thương hiệu. Nhưng vấn đề này con đang loay hoay chưa có hướng giải quyết vì Hiến pháp nước ta không phép được tích tụ ruộng đất” - TS Bảnh nêu quan điểm.


Ngoài giải pháp nâng mức hạn điền, chuyển dịch lao động nông thôn để làm tăng bình quân ruộng đất cho lao động nông thôn, giảm sự lệ thuộc vào lợi tức canh tác nông nghiệp của những nhân khẩu trong một nông hộ là một giải pháp hay. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi nhà nước phát huy hiệu quả hơn nữa chính sách đào tạo nghề, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại về các vùng nông thôn. Từ những giải pháp nói trên hi vọng sẽ là “chìa khóa” tháo gỡ những khó khăn, nâng cao đời sống của bà con nông dân, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ phát triển bền vững và góp phần thực hiện thành công chính sách “tam nông” của nước ta.


Bài và ảnh: Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN