Con chữ soi sáng bản làng chân núi Tây Côn Lĩnh

Trẻ em người dân tộc Cờ Lao đến tuổi đi học đều được đến trường. Con chữ đang sáng lối đi trên những bản làng dân tộc Cờ Lao ở chân núi Tây Côn Lĩnh

Niềm vui được đến trường


Từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ để vượt qua cung đường 20 km “lên thác, xuống ghềnh” đầy đất đá bằng xe máy để đến được trung tâm xã Túng Sán. Bản làng của đồng bào Cờ Lao nằm vắt ngang những sườn núi, giữa bốn bề là ruộng bậc thang và những cây chè Shan tuyết cổ thụ. Từ xa đã nghe văng vẳng tiếng trẻ em học bài vọng ra từ những lớp học khang trang. 

Đồng bào Cờ Lao đã ý thức hơn việc học của con em mình.

Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội 4 dân tộc rất ít người: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao” của Đảng, Nhà nước đã giúp cho con em của đồng bào Cờ Lao nơi đây có được những môi trường học tập tốt.


Nằm trên triền núi, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Túng Sán xây dựng hai tầng. Trong lớp 3A có 25 học sinh, trong đó có 11 em học sinh người dân tộc Cờ Lao. Đang say sưa học bài, thấy chúng tôi vào thăm lớp, các em chào hỏi rất ngoan ngoãn, mạnh dạn. Không còn khoảng cách giữa các em học sinh dân tộc Cờ Lao với các em dân tộc khác.


Cậu bé học sinh người Cờ Lao ngồi ở cuối lớp giơ tay khi chúng tôi hỏi về dân tộc mình. Cậu chăm chú nghe chúng tôi trò chuyện. Khi chúng tôi hỏi tên, em thủ thỉ, nhưng vì tên em phát âm hơi khó nên chúng tôi nhờ em viết họ tên đầy đủ của em. Em viết tên rất nhanh và rõ ràng. Sú Sín Thành là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. “Cháu đi học từ mẫu giáo. Bố mẹ cháu bảo, đi học để biết chữ, sau này làm cán bộ, không phải đi làm nương nữa. Cả hai anh em cháu đều đi học”, Thành hồn nhiên trả lời.


Theo chân thầy giáo Phạm Hoàng Long, giáo viên của trường đi thăm quan khu nội trú, bếp ăn của học sinh, chúng tôi thấy vui khi điều kiện ăn ở của các em học sinh Cờ Lao đã đủ đầy. Bếp ăn sạch sẽ, khu nội trú đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cần thiết. Ở mảnh đất núi ngàn trùng điệp, nơi có đến 70% hộ nghèo này, thì đây là tín hiệu đáng mừng trên hành trình đi tìm con chữ của học sinh Cờ Lao.


Trên một sườn núi khác, nằm ở phía sau Trường PTDT Bán trú Tiểu học Túng Sán là Trường PTDT Bán Trú THCS Túng Sán. Trên sân trường rộn rã tiếng cười. Min Thị Nguyên, cô học trò người Cờ Lao có dáng người nhỏ bé đang chơi đùa cùng chúng bạn. Thấy người lạ hỏi thăm, Nguyên thỏ thẻ: “Nhà cháu có sáu anh chị em. Cháu là con thứ 3. Cả 6 anh chị em cháu đều biết chữ”.


Đi theo con đường đất nhỏ, lên dốc, xuống đèo vào sâu trong các thôn, bản, chúng tôi đến thôn Phìn Sư. Thôn có gần 100% là đồng bào Cờ Lao sinh sống. Điểm trường Mầm non Phìn Sư cách trung tâm xã 4-5 km. Lớp học được xây cấp 4 khá rộng rãi. Thấy chúng tôi dừng lại ở cửa lớp, các con đều dừng chơi và khoanh tay chào. 


Tới khu bếp ăn, chúng tôi thấy các em nhỏ người Cờ Lao ngồi xếp thành vòng tròn ngay ngắn ăn cơm. Mỗi con bưng một chiếc bát tự xúc cơm ăn. Bữa cơm trưa của các con có thịt, có rau, có đậu. Tuy bên trong lớp Mầm non đơn sơ, giản dị và thiếu thốn đồ chơi, đồ dùng học tập nhưng bữa cơm ấy của các con đã cho chúng tôi cảm giác ấm lòng. 


Cô giáo Hoàng Thị Quê, giáo viên điểm trường Phìn Sư chia sẻ: Điểm trường Mầm non Phìn Sư có 20 trẻ người Cờ Lao. Những năm gần đây, trẻ em dân tộc Cờ Lao cứ đến tuổi Mẫu giáo là cha mẹ cho các con đến lớp.


Trăn trở hành trình học chữ


Trên mảnh đất vùng cao này, gánh nặng mưu sinh, trình độ nhận thức nhiều khi đã níu bước chân người Cờ Lao trên hành trình đi tìm con chữ. Lớp người cao tuổi của dân tộc Cờ Lao trước đây không biết chữ, nay họ đã ý thức cho con cháu học hành. Trên suốt hành trình đến những bản làng người Cờ Lao, chúng tôi thấy hiện lên trong ánh mắt các em học sinh là niềm vui được cắp sách đến trường, niềm vui khi được chan hoà vui cùng chúng bạn. 

Trẻ em dân tộc Cờ Lao ăn trưa tại điểm trường Mầm non Phìn Sư.

Tuy nhiên, để đồng bào Cờ Lao bắt kịp sự học so với các dân tộc khác thì vẫn còn nhiều trăn trở.


Theo cô giáo Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Túng Sán, Trường có 152 học sinh Cờ Lao trên tổng số 460 học sinh. Tỷ lệ học sinh người Cờ Lao so với các dân tộc khác là đông nhất trường. So với trước đây, người Cờ Lao đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, học sinh Cờ Lao vẫn học kém hơn các dân tộc khác. 


Nhiều em ở nội trú nhưng cha mẹ các em ít khi hỏi thăm tình hình ăn ở, học hành của con. Do bận làm ăn, nên việc chăm sóc, giáo dục con cái vẫn phó mặc cho nhà trường. Tình trạng học sinh Cờ Lao bỏ học vẫn còn. Hằng năm, các thầy cô giáo vẫn phải đến từng nhà vận động các em đi học trở lại.


Ông Thào Seo Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Túng Sán bộc bạch: Toàn xã Túng Sán có 195 hộ dân tộc Cờ Lao thì đến nay mới có một người có trình độ Đại học. Người Cờ Lao tham gia vào các cấp chính quyền còn hạn chế. Ở xã mới chỉ có Bí thư Đoàn xã là người Cờ Lao. Con số này là khá khiêm tốn so với các dân tộc khác.


“Em quyết tâm đi học Trung cấp Luật để làm cán bộ. Có học mới có thể thoát nghèo. Ở lứa tuổi của em, ít bạn học hết cấp 3 và đi học chuyên nghiệp lắm. Em mong đồng bào Cờ Lao quê hương em bớt nghèo khổ, các bạn học sinh Cờ Lao có điều kiện học cao hơn nữa…”, Cáo Díu Chợ, Bí thư Đoàn xã - cán bộ duy nhất người Cờ Lao trong hệ thống chính quyền xã Túng Sán chia sẻ.


Chúng tôi rời Túng Sán khi niềm vui, sự day dứt đan xen. Cái đói, cái nghèo vẫn hiện hữu nơi đây. Sự học của đồng bào Cờ Lao vẫn còn muôn vàn khó khăn. Nhưng hy vọng con chữ sẽ cho người Cờ Lao ánh sáng để bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.


Bài và ảnh: Minh Phúc (Báo Tin tức)
Nguy cơ mai một nghề đan lát của đồng bào Cờ Lao
Nguy cơ mai một nghề đan lát của đồng bào Cờ Lao

Đã bao đời nay, nghề đan lát gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người Cờ Lao tại Hà Giang. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN