Cô học sinh dân tộc Xa Phó được tuyển thẳng vào đại học

Tin cô học trò nghèo Lý Thị Hoàn ở thôn Lẫu Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái), giải nhì quốc gia môn Lịch sử, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội, đã làm nức lòng đồng bào thôn Lẫu Nhầy.


Vượt khó vươn lên


Lý Thị Hoàn là thí sinh dân tộc Xa Phó đầu tiên của cả tỉnh Yên Bái được tuyển thẳng vào đại học. Ở mảnh đất vùng cao còn nhiều gian khó, việc học cái chữ đối với các em gái người dân tộc Xa Phó còn khó khăn hơn việc đi tra lúa, tra ngô. Thế nhưng, cô bé Hoàn đã sớm bộc lộ sự thông minh, ham học vượt trội so với các bạn cùng trang lứa. Hàng ngày, Hoàn chăm chỉ cắp sách tới trường với ước mơ cháy bỏng là trở thành cô giáo.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thuộc diện hộ nghèo của xã Châu Quế Thượng, từ nhỏ, Hoàn vừa đi học vừa giúp bố mẹ những công việc gia đình, từ nấu cơm, thái chuối nuôi lợn, đến lên nương trồng ngô, trồng sắn.


 

Ngoài giờ học trên lớp, Lý Thị Hoàn (bên phải) thường tìm đến các di chỉ khảo cổ và bảo tàng để tìm hiểu thêm về lịch sử.

 

Cuộc sống của ba chị em Hoàn cùng bố mẹ chủ yếu dựa vào ba sào ruộng, vài mảnh nương trồng ngô, sắn. Bố mẹ Hoàn phải làm cật lực nhưng cũng cũng chỉ đủ ăn cho gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ Hoàn vẫn quyết tâm cho ba chị em ăn học tới cùng. Anh Hùng- bố của Hoàn, cho biết: "Điều kiện gia đình rất khó khăn, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm cho con đi học đến cùng. Chúng tôi thường xuyên chỉ bảo, động viên các con phải cố gắng học cho giỏi để sau này trở thành người có ích giúp đỡ cho thôn bản, cho xã hội".


Những năm học tiểu học, Hoàn luôn là học sinh giỏi tiêu biểu của toàn trường và được chuyển vào học trung học cơ sở tại trường Dân tộc nội trú huyện Văn Yên. Với trí nhớ tốt, phương pháp học khoa học và đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ, Hoàn luôn đứng trong tốp đầu những học sinh giỏi, xuất sắc của trường và là học sinh giỏi toàn diện suốt 4 năm học trung học cơ sở. Năm học lớp 9, Hoàn còn đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh môn Anh văn. Không chỉ học giỏi, Hoàn còn là lớp phó học tập và là Liên đội phó gương mẫu, được các bạn và thầy cô tin tưởng, yêu quý.


Được sự động viên của gia đình và thầy cô, bạn bè, học xong lớp 9, Hoàn thi đỗ vào trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái. Xa gia đình, xa bản Lẫu Nhầy gần trăm cây số, sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ và nỗi nhớ bản làng lại chính là động lực để cô học trò nghèo tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Ba năm học trung học phổ thông, em luôn là học sinh có thành tích học tập tốt nhất trường và là lớp phó học tập gương mẫu trong các phong trào thi đua.


Đam mê lịch sử dân tộc


Yêu thích môn Toán và Anh văn nhưng tình yêu với môn Sử của Hoàn lại bừng cháy khi em được nghe những bài giảng về môn Sử của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa. Khi phát hiện năng khiếu và niềm đam mê đặc biệt của cô học trò, cô Hòa đã chọn em vào đội tuyển thi học sinh giỏi. Dưới sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của cô giáo, càng học, Hoàn càng thấy yêu môn học này. Với em, học lịch sử là một trong những cách để hiểu thêm về truyền thống và những nét đẹp của quê hương, học tốt môn Lịch sử cũng là một cách thể hiện tình yêu với Tổ quốc.


Kiến thức vững vàng, niềm đam mê lịch sử cùng tình yêu thương của cha mẹ, họ hàng, thôn xóm và bản sắc dân tộc Xa Phó sẽ là động lực để Lý Thị Hoàn tiếp tục tự tin bước đi trên con đường đã chọn.

Hoàn tâm sự: "Tìm hiểu về lịch sử, biết về lịch sử, em rất tự hào về dân tộc, đất nước mình và nơi mình đang sinh sống. Học lịch sử để không bao giờ quên công lao, sự hy sinh của bao lớp lớp cha ông ta đã đổ xương máu để chúng em có ngày hôm nay. Khi vào giảng đường đại học, em sẽ cố gắng tìm hiểu và nghiên cứu thật sâu môn Lịch sử để khi ra trường sẽ truyền những kiến thức hiểu biết của mình đến thế hệ mai sau".


Hoàn cho biết: Để học tốt môn Sử, bên cạnh việc tập trung nghe thầy cô giảng trên lớp, Hoàn còn tạo thói quen học tốt ở nhà hàng ngày. Hoàn thường mượn thầy cô những tài liệu chuyên sâu, hay vào thư viện nhà trường tìm những cuốn sách lịch sử nâng cao, kết hợp đi tham quan thực tế các di tích lịch sử, các di chỉ khảo cổ ở địa phương, để tự trau dồi thêm kiến thức cho bản thân.


Sự nỗ lực của cô học trò nghèo đã được đền đáp. Hoàn đoạt giải nhì cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia trong kỳ thi học sinh giỏi môn Sử năm học 2011 - 2012. Năm học 2012 - 2013, em tiếp tục đoạt giải nhất tỉnh và giải nhì quốc gia môn Lịch sử. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, Hoàn được 52,5 điểm (chưa tính điểm cộng) và là học sinh có điểm cao nhất toàn trường.


Không phải bận rộn lo ôn luyện kiến thức để thi đại học như các bạn khác, những ngày nghỉ hè này, Hoàn ở nhà, dành thời gian cùng bố mẹ sản xuất, giúp em trai cùng các em nhỏ trong thôn củng cố thêm kiến thức. Đặc biệt, những câu chuyện về lịch sử mà Hoàn kể luôn có sức hấp dẫn, thu hút được các em nhỏ trong thôn, giúp các em hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, về truyền thống đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha ông.

 

Bài và ảnh: Trung Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN