Chuyên nghiệp hoạt động xúc tiến du lịch

Xúc tiến, quảng bá du lịch được coi là hoạt động trọng tâm của ngành du lịch. Do đó quảng bá ấn tượng, thông tin đầy đủ về thế mạnh của điểm đến tại Việt Nam là nhân tố thúc đẩy du khách lựa chọn Việt Nam là điểm đến.


Thiếu chuyên nghiệp


“Đối với du lịch, thông tin là việc làm đầu tiên phải triển khai hỗ trợ du khách. Nhưng hiện nay khâu quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp”. Đó là nhận xét của rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về hoạt động xúc tiến của Việt Nam tại hội thảo chuyên đề toàn quốc về xúc tiến du lịch gần đây.


Các doanh nghiệp du lịch trao đổi thông tin, xúc tiến quảng bá tại hội chợ VITM 2013.


Ông Kai, chuyên gia marketing người Đức nhận xét: Việc Việt Nam đưa ra logo (biểu tượng) và slogan (tiêu đề) nhưng từ đó đến nay chưa có kế hoạch cụ thể nào cho hoạt động xúc tiến khiến nhiều du khách trong nước và nước ngoài chưa nhận diện được thế mạnh của du lịch Việt Nam hướng tới. Đồng quan điểm này, ông Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận xét: “Việc lựa chọn logo và slogan mới của du lịch Việt Nam đã có hơn một năm nhưng đến nay vẫn mờ nhạt. Chọn được logo và slogan đã khó nhưng quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đó. Đối với logo và slogan trước đây, để quảng bá, việc đầu tiên mà Tổng Cục du lịch thời điểm đó làm là yêu cầu các tỉnh có tiềm năng du lịch đặt những pano, áp phích và hình ảnh nhanh chóng được nhận diện. Bây giờ đã sáp nhập thành Bộ VH,TT&DL thì cần huy động sức mạnh của mảng văn hóa và thể thao cùng quảng bá cho du lịch, nhất là qua các lễ hội, sự kiện thể thao. Nhưng thực tế mạnh ai người đó làm”.


Lý giải cho việc này, Tổng Cục du lịch cho rằng kinh phí xúc tiến đang bị cắt giảm hoặc phân bổ theo ngân sách một cách khá chậm. Nhận xét về hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian qua, ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: “Hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn nặng cơ chế bao cấp, hành chính. Hoạt động xúc tiến chỉ dồn vào cuối năm trong khi nhiều thị trường mục tiêu phải tiến hành hoạt động xúc tiến quảng bá từ đầu năm. Đơn cử như tại Hà Nội, năm vừa qua, thành phố trích kinh phí hơn 20 tỷ đồng cho xúc tiến quảng bá nhưng kế hoạch xúc tiến không hợp lý nên nguồn kinh phí này không tiêu hết, phải trả lại ngân sách”.


Ông Bảo Anh, đại diện Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở địa phương có tiềm năng, thực hiện một cách manh mún, thiếu đồng bộ và thiếu sự liên kết. Các đơn vị từ trung ương đến địa phương thực hiện xúc tiến quảng bá vẫn trong tình trạng mạnh ai người đó làm. Trên thực tế, các tỉnh thành cũng có ký hợp tác liên kết phát triển du lịch nhưng theo kiểu “ghi nhớ, hứa hẹn”, chưa có lộ trình cụ thể, sự phân công nghiệp vụ theo từng bên hợp tác và không thống nhất được cách thức triển khai những cam kết. Liên kết xúc tiến giữa Trung ương và địa phương cũng không thống nhất. Chẳng hạn, địa phương cần chiến lược xúc tiến dài hơi của ngành để làm cơ sở, định hướng cho công tác xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá tại địa phương nhưng đến nay ngành du lịch chưa có đề án chiến lược hoàn chỉnh về xúc tiến quảng bá du lịch. Kế hoạch xúc tiến quảng bá của Tổng Cục du lịch hàng năm cũng không có hoặc gần hết năm chưa có ngân sách nên địa phương luôn bị động và nhiều khi chồng chéo, lãng phí.


Coi việc đặt văn phòng là bước đột phá


Ông Phạm Từ nhận xét, trong hoạt động xúc tiến du lịch, quan trọng nhất là cung cấp thông tin cho khách và để làm được điều này cần thành lập văn phòng du lịch ở nước ngoài. Việc này đã được Tổng Cục du lịch đề xuất từ hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.

Quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tại hội chợ VITM 2013.


Theo các chuyên gia trong ngành, những thị trường trọng tâm thu hút trên 100.000 du khách/năm đã tính đến phương án thành lập văn phòng du lịch để hỗ trợ thông tin và thủ tục cho khách. Đó là lý do mà Lào và Campuchia cũng đã mở văn phòng du lịch tại Nhật Bản nhưng đến nay Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở... đề án. Đối tác Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ để ngành du lịch Việt Nam có thể mở văn phòng tại Nhật Bản nhưng Tổng Cục du lịch lại kêu vướng cơ chế và kinh phí. “Chính vì vậy, ngành du lịch hãy coi việc lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản trong năm nay là nhiệm vụ trọng tâm, vướng ở đâu thì tập trung gỡ ở đó. Coi đây là dấu ấn, cũng như bước ngoặt đối với việc chủ động trong việc xúc tiến tại nước ngoài”, ông Phạm Từ bày tỏ quan điểm.


“Quan trọng nhất là khi khách đến, được cung cấp thông tin, họ sẽ tin tưởng được bảo đảm bởi một đại diện cơ quan nhà nước về du lịch, nhất là du khách đi lần đầu”, đại diện Saigontourist nhận xét. Thị trường Nhật Bản là thị trường tiềm năng khi mà mỗi năm có tới gần 14 triệu người đi du lịch nước ngoài. Ngành du lịch Nhật Bản đưa ra lời khuyên Việt Nam là điểm đến nên đi du lịch. Đây là cơ hội mà ngành du lịch Việt Nam nên nắm lấy.


“Trước đây, Tổng cục Du lịch cũng từng thí điểm kết hợp với công ty lữ hành để làm nhưng do nhiều nguyên nhân nên kết quả chưa mong muốn. Trong tình hình khó khăn hiện nay, Tổng Cục du lịch nên đề xuất 3 mô hình: Văn phòng du lịch do nhà nước là chủ quản, kết hợp với doanh nghiệp lữ hành, kết hợp với Vietnam Airlines. Mỗi mô hình sẽ có nhược điểm và ưu điểm có thể tận dụng, phải bắt tay làm càng sớm càng tốt”, ông Phạm Từ cho biết.


Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng, Bộ VH,TT&DL cần sớm thành lập Cục Xúc tiến du lịch thuộc Tổng Cục du lịch và văn phòng du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Ông Phạm Từ, nguyên Tổng cục phó Tổng Cục du lịch cho biết: Cấp Vụ chỉ mang tính tham mưu, trong khi đó cấp Cục sẽ là đơn vị chủ động hơn về chương trình và kinh phí hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, trong năm nay, ngành du lịch cần sớm thành lập văn phòng du lịch tại thị trường Nhật Bản, coi đây là bước ngoạt của ngành để chủ động xúc tiến tại các thị trường trọng điểm.


Đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: Hiện Tổng Cục du lịch đang hướng hoạt động xúc tiến quảng bá theo hướng gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng của quốc gia, của vùng phù hợp với từng thị trường. Đây là định hướng đúng nhưng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa, chứ đừng để các đề án này nằm trên giấy. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp du lịch và địa phương cần đẩy mạnh việc quảng bá qua mạng internet, tiến tới xây dựng chương trình marketing điện tử theo hướng chuyên nghiệp.

Bài và ảnh:Xuân Minh - Thu Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN