Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để chữa bệnh, xây dựng một đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng có chuyên môn nghiệp vụ cao, thành lập khoa dinh dưỡng cho tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên... là những mục tiêu mà Bộ Y tế đã đưa ra trong thông tư mới đây về việc thúc đẩy hoạt động chăm sóc dinh dưỡng trong bệnh viện. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, xem ra hành trình "đến đích" của ngành dinh dưỡng Việt Nam vẫn còn khá dài...
Nhân viên y tế cung cấp dịch vụ dinh dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em Khánh Hòa. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Lâu nay, những người bệnh khi bước chân vào bệnh viện đều chỉ chăm chăm nghĩ tới việc dùng thật nhiều thuốc, cả thuốc bệnh, thuốc bổ để chữa bệnh. Và tất nhiên, việc ăn uống bồi dưỡng cũng được đặt lên là một trong những yếu tố quan trọng để bệnh nhân có thể nhanh hồi phục, nhưng cách chọn thực phẩm "bồi dưỡng" đôi khi lại rất phản khoa học. "Người nhà bệnh nhân và bản thân bệnh nhân lâu nay vẫn quan niệm chưa đúng về dinh dưỡng, chỉ nghĩ là cho bệnh nhân ăn những gì ngon nhất, bổ nhất.
Trên thực tế, không phải cứ ăn thật nhiều chất bổ là sẽ tốt cho bệnh, mà mỗi loại bệnh, thậm chí mỗi loại thể trạng bệnh nhân, lại đòi hỏi phải có một thực đơn dinh dưỡng riêng. Ví dụ như bệnh nhân mắc bệnh thận mà cho ăn quá nhiều chất bổ thì sẽ phản tác dụng, đôi khi còn khiến bệnh nặng thêm lên... Còn ngược lại, nếu có chế độ dinh dưỡng tốt, hợp lý, thì sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, giảm chi phí điều trị. Thế nhưng lâu nay, việc chữa bệnh bằng dinh dưỡng ở Việt Nam hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Thậm chí nhiều bệnh viện còn chưa có cả khoa dinh dưỡng cũng như bác sĩ dinh dưỡng của mình"- một đại diện Bộ Y tế cho biết.
Theo con số thống kê mà PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cung cấp, mặc dù tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vòng 20 năm qua, nhưng hiện tại vẫn còn khoảng 14% dân số - 50% bệnh nhân nội trú bị suy dinh dưỡng. Và đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các bệnh nhân phẫu thuật là... 78%, một con số cực kỳ đáng báo động. "Suy dinh dưỡng để lại những hậu quả rất đáng tiếc, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị của bệnh nhân, là tác nhân khiến viện phí tăng lên do thời gian nằm viện kéo dài. Thậm chí chính suy dinh dưỡng đã khiến tỷ lệ tử vong của bệnh nhân trong các bệnh viện tăng lên đáng kể", bà Lâm phân tích.
Ngoài nguyên nhân là tư duy sai của người nhà và bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, còn một nguyên nhân "khách quan" nữa chính là tình trạng của hệ thống chăm sóc dinh dưỡng tại Việt Nam. "Kết quả một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra thực trạng đáng lo ngại của vấn đề dinh dưỡng ở Việt Nam khi 30% bệnh viện tỉnh chưa có khoa dinh dưỡng; chỉ có 19% số khoa dinh dưỡng hiện có áp dụng chế độ dinh dưỡng lâm sàng; phần lớn các khoa dinh dưỡng chưa có cán bộ quản lý là bác sĩ hay cán bộ trình độ đại học…”, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết. "Với thực tế là thể trạng của người bệnh kém (tỷ lệ suy dinh dưỡng cao), cộng với nguồn lực sẵn có của bệnh viện (y, bác sĩ, trang thiết bị...) đều thiếu và yếu, nên quả thực dinh dưỡng lâm sàng tại Việt Nam đứng trước sự báo động "đỏ", cần sớm có những cải tiến toàn diện", TS Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Những chuyển biến lâu dài
Trước thực trạng này, nhằm cùng chung tay với Bộ Y tế Việt Nam trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong bệnh viện, góp phần chữa bệnh bằng dinh dưỡng, một "Dự án hỗ trợ dinh dưỡng lâm sàng" ở Việt Nam, do Quỹ Abbott và Chương trình hợp tác sức khỏe toàn cầu của ĐH Y Boston phối hợp thực hiện tại Việt Nam; với sự tham gia của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trường Đại học Y Hà Nội... đã được triển khai từ năm 2010, và mang lại những hiệu quả đáng kể.
Dự án kéo dài trong 4 năm (2010-2014), với tổng kinh phí là gần 80 tỷ đồng (3,8 triệu USD). Dự án được chia làm 2 giai đoạn (mỗi giai đoạn 2 năm). "Sau 2 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả đáng kể trong việc tăng cường chăm sóc dinh dưỡng tại bệnh viện cho bệnh nhân nội trú bằng các hoạt động phối hợp toàn diện, đáp ứng 3 nhu cầu thiết yếu: Đào tạo cán bộ, lồng ghép dinh dưỡng lâm sàng vào công tác chăm sóc bệnh nhân nội trú; mở rộng các chương trình đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng và thực hiện, phổ biến kết quả nghiên cứu về các mô hình dinh dưỡng lâm sàng tối ưu"- PGS.TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Trong khuôn khổ dự án này, một "Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng" đã được thành lập tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây là trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đầu tiên tại Việt Nam. Theo TS Nguyễn Quốc Anh: "Trung tâm đã tập trung vào các hoạt động nhằm tăng cường chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân trong toàn bệnh viện, bao gồm việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc dinh dưỡng, tiến hành sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, lồng ghép chế độ dinh dưỡng vào công tác chăm sóc tổng thể cho bệnh nhân trong toàn bệnh viện. Trung tâm cũng đã thực hiện chức năng đào tạo, chỉ đạo ngành về dinh dưỡng lâm sàng cho các bệnh viện tại Việt Nam (trước mắt là khu vực miền Bắc). Đặc biệt, mạng lưới dinh dưỡng lâm sàng của các bệnh viện vệ tinh cũng đã được thiết lập và hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Cụ thể, tới thăm trung tâm, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến sự đổi mới của phòng làm việc, phòng pha chế sữa và dung dịch lỏng. Một phòng tư vấn dinh dưỡng cũng đã được thành lập, và hàng tháng đều tổ chức các buổi tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân, với số lượng bệnh nhân mỗi chương trình lên tới hơn 10.000 người”.
Ngoài yếu tố cơ sở vật chất, thì yếu tố con người, mà cụ thể ở đây là việc đào tạo đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng, là một trong những nội dung trọng tâm của dự án. Được biết, trong 2 năm triển khai dự án, đã có hơn 1.200 cán bộ về dinh dưỡng lâm sàng trên toàn quốc được đào tạo. "Về đào tạo sau đại học, chúng tôi đã đào tạo cử nhân điều dưỡng định hướng lâm sàng. Các sinh viên điều dưỡng, sau 3 năm học theo chương trình đào tạo chung, sẽ học 1 năm tập trung vào dinh dưỡng lâm sàng. Bên cạnh đó, đã tổ chức đào tạo cử nhân điều dưỡng chuyên ngành dinh dưỡng lâm sàng đầu tiên của Việt Nam, với thời gian 1 năm, cho 21 học viên là các điều dưỡng viên đã làm việc tại các bệnh viện. Chúng tôi cũng đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên khoa cấp I và thạc sĩ về dinh dưỡng lâm sàng"- PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.
Được biết, trong giai đoạn II, dự án sẽ nhằm cải thiện tốt hơn nữa tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện VN. Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các bệnh viện vệ tinh về dinh dưỡng lâm sàng, giúp nhiều bệnh viện tỉnh tổ chức và hoạt động khoa dinh dưỡng. Đại học Y Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo Chuyên khoa cấp 1 và Thạc sĩ về dinh dưỡng lâm sàng. Ngoài ra dự án vẫn tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, nghiên cứu, học tập tại nước ngoài...
A.A