Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng người tham gia đăng ký học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đào tạo nghề may tại bon Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil.


Với mục tiêu tập trung cho công tác đào tạo nghề, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, khắc phục những tồn tại trong công tác dạy nghề. Đội ngũ giáo viên ngày được nâng cao chất lượng, số lượng người tham gia đăng ký khóa học càng ngày càng đông, đặc biệt là những con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, người có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện cho con đến trường. Các học viên tham gia với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Trong năm 2013, toàn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức tuyển sinh hơn 2.000 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề phi nông nghiệp chiếm gần 60%, nghề liên quan nông nghiệp hơn 40%. Ngành nghề đào tạo chủ yếu như may dân dụng, may công nghiệp, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy móc nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây công nghiệp, chăn nuôi, thú y…

“Dù có nhiều học viên nhận thức còn hạn chế, đặc biệt là học viên là người dân tộc thiểu số, nhưng với niềm đam mê với nghề, họ đã tiếp thu rất nhanh và tự mình có thể hoàn thành sản phẩm".

Cô Đỗ Thị Diễm Hương, trường Trung cấp nghề Đắk Nông


Có một điểm nổi bật là chương trình đào tạo nghề nông thôn giúp địa phương thay đổi nhận thức về việc học nghề để phát triển kinh tế bằng nghề đã được đào tạo. Tham gia khóa học lớp đào tạo ngắn hạn dạy may công nghiệp trong thời gian 3 tháng của trường Trung cấp nghề Đắk Nông (tại bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil), học viên H Runh tâm sự: “Chị em tham gia các buổi học rất nhiệt tình. Từ việc lạ lẫm với kim, chỉ, máy móc may, giờ đây chị em đã tự mình điều khiển và may vá được bộ đồ hoàn chỉnh. Tôi cũng như mọi người tham gia khóa học này đều mong muốn, với những gì đã được học ở trên lớp, có thể tự mở điểm may tại nhà, hoặc xin việc tại một công ty may nào đó để phụ giúp kinh tế gia đình”.


Không chỉ học viên H Runh, mà rất nhiều học viên khác mong muốn từ khóa học này sẽ mang lại cho họ những kiến thức về tay nghề để có thể tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Ông Nguyễn Khải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đắk Nông, cho biết: “Hiện nay, ngoài việc tập trung đào tạo nghề tại trường, chúng tôi còn có những đợt tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, luôn chú ý đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một vấn đề cấp bách hiện nay, cần phải làm ngay để giúp cho những người không có điều kiện học nghề tại các trường, trung tâm được trực tiếp học các khóa học ngắn hạn ngay tại các nhà văn hóa, nhà văn hóa cộng đồng… ở địa phương. Đây là cơ hội để các học viên có thể tiếp cận nghề, nâng cao tay nghề, góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề, phục vụ lợi ích kinh tế gia đình”.


Bài và ảnh: K’Gửh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN