Gia đình của người Mảng chủ yếu là đa thế hệ, các cặp vợ chồng ông bà, bố mẹ, con cháu cùng chung sống dưới một mái nhà. Nên việc gia đình có một người giữ vị trí chủ nhà là rất cần thiết và không thể không có. Chủ gia đình (ủy nhỏa) là người làm chủ, chỉ đạo quán xuyến mọi công việc lớn bé trong nhà. Gia đình nào cũng đều có chủ và chủ nhà là nam giới.
Người chủ nhà đứng ra tổ chức các hoạt động sản xuất, công việc gia đình, quan hệ xã hội, giáo dục thế hệ trẻ và truyền thụ những phong tục tập quán... Vì vậy, họ giữ một vị trí rất quan trọng trong gia đình và được các thành viên tôn sùng làm theo... Nếu trong gia đình bố mẹ già vẫn còn minh mẫn thì vẫn làm chủ, nếu không thì giao lại trọng trách trên cho con trai cả.
Chủ nhà sắp xếp và phân công các thành viên trong gia đình lấy gỗ, thiết kế và dựng nhà để ở. |
Trong hoạt động sản xuất, chủ nhà nắm vững nông lịch (theo cách tính của người Mảng), biết rõ vùng đất nào có thể trồng loại cây gì và trồng vào thời điểm nào. Từ đó, có kế hoạch chỉ đạo toàn bộ các gia đình hạt nhân tổ chức gieo trồng thế nào cho hiệu quả. Chủ nhà còn hướng dẫn cho các gia đình hạt nhân cách chăm sóc vật nuôi thế nào cho tốt, nhanh phát triển. Mặc dù các gia đình đã tách ra làm riêng, nhưng vẫn được chủ nhà quan tâm hướng dẫn. Trong công việc gia đình, chủ nhà cũng đứng ra lo các công to việc lớn như hiếu hỉ cho các thành viên. Nếu bố mẹ đẻ của các thành viên không đủ khả năng kinh tế để lo lễ vật thách cưới và tổ chức lễ cưới thì chủ nhà sẽ giúp đỡ hoặc động viên cả gia đình đóng góp.
Ngôi nhà đa thế hệ sinh sống của người Mảng ở xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). |
Trong quan hệ xã hội, chủ nhà cũng hướng dẫn cho các thành viên biết cách giao tiếp như thế nào cho đúng. Khi các thành viên gặp phải vấn đề gì trong giao tiếp xã hội thì chủ nhà cũng đứng ra giải quyết. Trong việc giáo dục thế hệ trẻ và truyền thụ những phong tục tập quán dân tộc thì chủ nhà lại càng có vai trò chủ đạo. Bố mẹ những đứa trẻ chỉ chăm sóc chúng nhưng khi lớn lên việc giáo dục chúng lại do chủ nhà và toàn thể gia đình đảm trách. Chủ nhà luôn là người hiểu biết lý lẽ, tập tục về tôn giáo tín ngưỡng và đạo đức lối sống nên sẽ là người truyền lại cho đứa trẻ. Chủ nhà còn chỉ cho chúng biết phải kiêng kỵ những gì trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Mảng nói chung và dòng họ nói riêng.
Với vai trò quan trọng như vậy, nên muốn chọn người chủ gia đình hay truyền ngôi vị chủ nhà cần có những tiêu chí nhất định. Theo ông Lò A Leo, ở bản Hua Pảng (xã Nậm Ban, huyện Sìn Hồ) cho biết có rất nhiều tiêu chuẩn để trở thành chủ nhà, song chủ yếu phải đạt được 4 tiêu chí sau:
Thứ nhất, người được chọn làm chủ nhà trước hết phải lập gia đình (đã có hoặc chưa có con). Theo quan niệm của người Mảng nếu ai chưa có đôi có lứa thì dù có nhiều tuổi hay giỏi dang đến đâu cũng chưa được coi là người lớn. Vì vậy, người đó không thể đảm trách một nhiệm vụ quan trọng, nặng nề như là chủ một gia đình lớn được. Mặt khác, người Mảng cũng cho rằng nếu không có đôi có cặp sẽ hạn chế sự phồn thịnh phát triển của một gia đình nên không thể để người chưa kết hôn làm chủ gia đình.
Thứ hai, phải có đủ năng lực để quản lý gia đình, biết tính toán, có kinh nghiệm trong sản xuất, giao tiếp, am hiểu tập quán, lịch sử, có uy tín với các thành viên trong gia đình. Chủ nhà là người điều hành mọi công việc trong gia đình nên phải là người biết tính toán, thông minh, nhanh nhẹn. Mọi thành viên đều tin tưởng và coi chủ nhà là chỗ dựa tinh thần.
Thứ ba, chủ nhà phải là người có đạo đức hiền lành, tốt bụng, sống có trách nhiệm. Chủ nhà luôn là người đứng trên lẽ phải, công minh không thiên vị bên nào, xử lý công việc làm sao để các thành viên phải nể phục.
Thứ tư, người chủ nhà mới phải được chủ nhà cũ chỉ định khi chủ nhà cũ rời khỏi ngôi vị. Tuy nhiên, trường hợp này thường bao hàm cả 3 trường hợp trên cộng lại. Chủ nhà cũ luôn để ý tìm cho được người xứng đáng kế nhiệm mình trong số các thành viên trong nhà. Khi người chủ cũ đã chỉ định thì cả gia đình đều phải nhất nhất nghe theo. Ai không chấp nhận người đó làm chủ nhà thì có quyền dựng nhà, tách ra ở riêng để không chịu sự quản lý của người chủ nhà mà theo mình là không đồng ý.
Người đảm nhận ngôi vị chủ nhà không nhất thiết phải có đồng thời 4 tiêu chí trên, nhưng đó là những tiêu chí cơ bản. Quan trọng nhất là 2 tiêu chí đầu tiên, người chủ nhà cũ chỉ định cũng phải dựa vào 2 tiêu chí này.
Ngày nay, ở các bản người Mảng vẫn có nhiều gia đình sống đa thế hệ và vai trò của người chủ nhà vẫn giữ vị trí rất quan trọng. Trong khi nguồn thức ăn tự nhiên từ rừng cạn kiệt, đất đai dần cằn cỗi, bạc màu, quan hệ xã hội càng phức tạp... người Mảng lại càng đề cao vai trò của người chủ nhà. Điều đó tạo nên một nét đẹp trong nhân cách mỗi thành viên của gia đình, đồng thời xây dựng được mối quan hệ bền chặt trong cộng đồng nhỏ của thôn, bản, mà nhân rộng hơn là xã hội.
Bài và ảnh:Việt Hoàng